Từ chối làm giám đốc công ty dược để chọn nghề giáo
Sinh ra ở huyện miền núi Yên Lập với xuất phát điểm không mấy thuận lợi về việc học ngoại ngữ, cô Hà Ánh Phượng được tiếp cận tiếng Anh một cách bài bản chỉ khi bắt đầu học tại trường dân tộc nội trú huyện Yên Lập.
Ngày ấy, không dễ tiếp cận Internet, mọi thứ phụ thuộc chủ yếu vào thầy cô và sách giáo khoa, nhưng Phượng luôn cố gắng tìm mọi cơ hội để tiếp cận với môi trường tiếng Anh: viết thư tay cho bạn nước ngoài, tập nói tiếng Anh hàng ngày với bạn cùng phòng, mua các tờ báo cũ về dịch, hay cuối tuần xem bản tin tiếng Anh trên Đài Truyền Hình Việt Nam… và dần dần đam mê.
Dấu ấn đầu tiên với Phượng là năm 2009 với giải thưởng Hoa Trạng Nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp trường THPT do Bộ GD&ĐT và tập đoàn Tân Tạo trao tặng.
|
Chân dung cô giáo 9x lọt top "50 giáo viên toàn cầu" năm 2020. |
Có cơ hội được đi du học tại nước ngoài, nhưng Phượng đã quyết định ở lại và theo học tại Trường ĐH Hà Nội. Cô sinh viên người Mường khi ấy đã tự trang trải cuộc sống của mình bằng việc dạy gia sư và phiên dịch freelance.
Ra trường, được một tập đoàn Y dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện tại Việt Nam với mức lương hấp dẫn, nhưng Phượng đã từ chối để trở về quê hương.
“Mình ý thức được những cơ hội mà ngoại ngữ mang lại, song lúc ấy thứ mình cần nhất là được theo đuổi đam mê với nghề dạy. Hơn nữa, mình rất muốn trả món nợ ân tình mà Đảng và Nhà nước cũng như Sở GD&ĐT Phú Thọ đã đem lại cho mình ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường dân tộc nội trú – ngôi trường đặc biệt với những học sinh dân tộc chung một mái nhà, cơm ăn áo mặc học phí cũng đều được nhà nước “lo”. Ngay cả khi ra trường, mình cũng được tuyển dụng đặc cách theo chế độ thu hút nhân tài của Sở GD&ĐT Phú Thọ. Mình chưa hề cảm thấy tiếc nuối về sự lựa chọn của mình” – cô giáo trẻ tâm sự.
|
Một buổi chia sẻ của cô Phượng (áo hồng) tại một trường học ở Hà Nội. |
Lan tỏa những giá trị đẹp cho cộng đồng
Từ những e dè ban đầu, nay học trò của cô Phượng có thể tự tin trò chuyện với một thầy giáo người Mỹ qua buổi học trực tuyến với điểm cầu Washington; có thể thuyết trình đầy thuyết phục dự án “Nói không với ống hút nhựa”; hay vui vẻ trò chuyện với những học sinh ở miền đất xa xôi khác… Những lớp học không biên giới là món quà tuyệt vời cô giáo trẻ mang đến cho học sinh của mình.
Đến nay, không chỉ cô Phượng, các thầy cô giáo của Trường THPT Hương Cần cũng đều đã tự tin khai thác ứng dụng công nghệ thông tin với tính tương tác cao, như: zoom, office365, shub, quizizz, kahoot… Bởi vậy, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh Trường THPT Hương Cần không còn xa lạ với mô hình học trực tuyến, bởi trước đó các em đã được làm quen với mô hình lớp học xuyên biên giới mà cô Phượng và đồng nghiệp sử dụng từ rất lâu.
|
Học sinh Trường THPT Hương Cần kết nối với bạn bè khắp năm châu trong giờ tiếng Anh. |
Không chỉ tham gia hướng dẫn học sinh tại trường, cô Phượng còn tham gia giảng dạy tiếng Anh ôn thi THPT Quốc gia trên sóng truyền hình tỉnh Phú Thọ. Nên khi được hỏi về những dự định trong tương lai gần của mình, cô giáo thạc sĩ 9x cho biết, trước mắt sẽ tập trung vào công việc này thật tốt. Cùng với đó, cô sẽ tiếp tục với những dự án có ích và miễn phí cho cộng đồng, để không chỉ ở THPT Hương Cần, mà học sinh mọi miền tổ quốc cũng được hưởng lợi.
“Tôi dự định sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí và chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn cho cộng đồng trong thời gian sắp tới. Đồng thời, tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (teaching SDGs). Nhưng, dẫu có là
TOP 50 giáo viên toàn cầu thì tôi vẫn là một cô giáo miền núi đơn giản và thân thiện để mang lại những giá trị cho cộng đồng thôi” – cô Phượng chia sẻ.
|
Cô Hà Ánh Phượng và học sinh với dự án "Nói không với ống hút nhựa". |
Cô Phùng Thị Hoàng Yến - chuyên viên tiếng Anh, Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho biết: Cô Hà Ánh Phượng là một giáo viên năng động, cầu tiến, luôn ý thức được sự phát triển chuyên môn, nhiệt tình tham gia các phong trào tập thể, luôn sẵn sàng chia sẻ cho đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường các kinh nghiệm dạy học ngoại ngữ cũng như các khóa tập huấn về CNTT do Sở GD&ĐT tổ chức.
Tuy là giáo viên một trường miền núi, nhưng những buổi phát triển chuyên môn giữa các giáo viên trên phạm vi toàn cầu qua các diễn đàn, hội nhóm cô Phượng luôn có mặt đầy đủ và tích cực lan tỏa các sáng kiến của mình và sẵn sàng đi lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.
Thầy Phan Trọng Đức – Hiệu trưởng trường THPT Hương Cần – thì chia sẻ: Cô Phượng là một trong những giáo viên đi đầu trong công tác dạy học đổi mới sáng tạo với nhiều dự án dạy học không chỉ trong phạm vi cả nước quốc tế, như: dự án chống rác thải nhựa, dự án về đa văn hóa và có những sáng kiến rất thiết thực được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận.