Hơn 5 ngăm theo nghiệp nhiếp ảnh, Nguyễn Phú Hưng (Ba Đình, Hà Nội) đã có cơ hội được làm việc với rất nhiều đối tượng khách hàng. Anh từng có mặt ở hàng trăm đám cưới từ nông thôn đến thành thị. Mỗi đám cưới đều để lại cho anh những kỷ niệm khác nhau.
“Thông thường, người ta vẫn nói, đám cưới là ngày vui, người đến dự đám cưới vô cùng hoan hỉ nên những nhiếp ảnh gia như chúng tôi cũng thấy vui lây. Tuy nhiên, cũng có một vài đám cưới, biểu hiện của cô dâu chú rể khiến chúng tôi vô cùng khó hiểu” - Phú Hưng nói.
|
Ảnh: Shutterstock |
Theo lời nhiếp ảnh gia này, anh đã từng tham gia một đám cưới mà trong suốt hôn lễ, anh không hề bắt được khoảnh khắc vui vẻ nào của cô dâu chú rể.
“Tôi không hiểu vì lý do gì, nhưng cả đám cưới, họ không hề mỉm cười. Ngay cả bố mẹ cô dâu chú rể và khách tham dự cũng vô cùng căng thẳng. MC đám cưới thì dẫn dắt ngắn gọn và nhanh chóng kết thúc chương trình” - Phú Hưng nhớ về đám cưới ở Hoàng Mai, Hà Nội mà anh đã từng chụp cách đây không lâu.
Hóa ra, cô dâu chú rể không hề có tình cảm với nhau. Thậm chí, cô dâu còn đang có thai với một người đàn ông khác nhưng vì lý do nào đó, họ không thể đến được với nhau. Cuối cùng, cô phải cưới người đàn ông vốn đang là con nợ của bố mẹ mình.
“Đám cưới diễn ra trong sự gượng ép nên không ai thấy vui. Bố mẹ cô dâu, chú rể phải chỉ đạo cho MC tổ chức nhanh gọn để sớm kết thúc hôn lễ” - Phú Hưng nhớ lại.
Tuy vậy, trường hợp này không làm khó nhiếp ảnh gia như trường hợp đồng nghiệp của anh đã gặp phải.
“Đó là một đám cưới ở Vĩnh Phúc” - Phú Hưng kể. Đồng nghiệp của Phú Hưng được chú rể thuê về đây để ghi lại những khoảnh khắc trong quá trình đón dâu.
“Nghe bạn tôi kể lại, gia đình nhà trai vừa xuất hiện thì một cô gái mặc váy trắng từ trong nhà gái chạy ra. Cô ta nhìn chằm chằm vào chú rể rồi ôm mặt khóc nức nở. Một vài người phải kéo cô gái ra khỏi tầm mắt của đoàn đón dâu bởi hôn trường bắt đầu nhốn nháo” - Phú Hưng kể với giọng đầy hồi hộp.
“Đến màn trao dâu và tặng quà hồi môn, quan khách hai họ lại thấy cô gái mặc váy trắng khi nãy bước lên” - Phú Hưng nói. Tuy nhiên lúc này, cô không khóc mà đàng hoàng đeo vào tay cô dâu một chiếc nhẫn. Sau đó, cô được nhiếp ảnh gia mời nán lại sân khấu để chụp ảnh cùng đôi uyên ương.
Trong quá trình chụp, vị nhiếp ảnh gia muốn cô đứng gần hơn với cô dâu chú rể để khuôn hình được đẹp nhưng bất ngờ cô gái lại ngồi thụp xuống và khóc.
“Bạn tôi nói, biểu hiện đó của cô gái khiến anh ta rất bất ngờ. Bất ngờ hơn là nhiều người trong rạp cưới cứ rì rầm trách anh ấy vô tâm”- Phú Hưng kể.
Sau đó, đồng nghiệp của Phú Hưng mới biết, cô gái mặc váy trắng chính là “nạn nhân” trong cuộc tình tay đôi của chú rể đào hoa.
Cô gái mặc váy trắng là chị gái của cô dâu. Trước kia, chú rể và cô gái đó yêu nhau. Cả hai đã cùng chung sống với nhau ở Hà Nội. Khi cô dâu lên học, cặp đôi thuê thêm 1 phòng để hai chị em được ở cùng nhau còn chàng trai ở phòng bên cạnh.
Hàng ngày, cả 3 vẫn ăn uống cùng nhau. Sau đó, cô em bất ngờ báo tin có thai với người yêu của chị gái.
“Bố mẹ cô dâu biết chuyện nhưng không nỡ để đứa trẻ sinh ra không có cha. Vì thế, đám cưới bắt buộc phải diễn ra khiến cô chị không thể cầm lòng. Cô ấy khóc cười như một đứa trẻ nhưng cũng có lúc lại tỏ ra rất mạnh mẽ” - Phú Hưng nói.
Vẫn lời của vị nhiếp ảnh này, câu chuyện không phải do anh chứng kiến nhưng khi nghe đồng nghiệp kể lại, anh thấy rất ám ảnh. Anh cho rằng, vì những hành động nông nổi, nhất thời mà nhiều người đã tự biến cuộc sống của mình thành một bi kịch.
“Sau này, những người trong cuộc sẽ đối diện với nhau thế nào? Và khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ nghĩ gì khi bố mẹ của nó đã từng làm tổn thương ruột thịt của mình?” - vị nhiếp ảnh thở dài.