Giá trị khoản thách cưới lên tới 9,98 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) bao gồm tiền mặt, thỏi vàng miếng và nhiều trang sức đắt tiền. Tất cả được chú rể gửi tới nhà vợ sắp cưới trên một chiếc xe tải bọc thép.
Trong video lan truyền trên mạng, khoản sính lễ được đựng trong 6 chiếc két sắt màu đỏ, do 4 người hộ tống chuyên nghiệp vận chuyển đến. Số tiền mặt sau đó được đưa đến ngân hàng để gửi vào tài khoản của cô dâu.
Một bức ảnh khác tiết lộ bên trong két sắt còn nhiều món xa xỉ khác như đồng hồ hàng hiệu.
Cặp đôi tổ chức đính hôn vào ngày 30/5.
|
Hình ảnh 4 người bảo vệ khiêng các két sắt đỏ vào nhà cô dâu. Ảnh: Global Times. |
Khoản sính lễ đắt đỏ đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Chú rể sau đó lên tiếng nhằm cố gắng xoa dịu tình hình.
“Đó chỉ là một phong tục kết hôn rất phổ biến ở địa phương", người đàn ông họ Yan (30 tuổi), nói với được truyền thông trong nước. Theo Yan, anh và hôn thê dự tính kết hôn vào cuối năm nay.
Bất chấp những nỗ lực trong các năm gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát nạn hét giá cô dâu, các cuộc hôn nhân tốn kém ở nước này vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Chiếc xe bọc thép chở tiền vàng, sính lễ của Yan là ví dụ điển hình cho việc phong tục kết hôn đắt đỏ và lâu đời, đã kéo dài suốt nhiều thế kỷ còn mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi.
"Giá cô dâu" là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải khác do chú rể, gia đình chú rể tặng cho nhà gái trước lễ cưới.
Đây được xem là truyền thống quan trọng trong hôn nhân ở Trung Quốc. Sính lễ có thể được hiểu như một món quà đính hôn, thể hiện thiện chí giữa cặp đôi và gia đình hai bên.
Tuy nhiên, giá trị sính lễ đã tăng từ mức bình thường lên rất cao, đặc biệt là ở những khu vực nghèo khó. Sính lễ đắt đỏ khiến các gia đình nợ nần sau đám cưới, nhiều chàng trai từ bỏ kết hôn. Nguyên nhân chính của nạn hét giá này là chênh lệch nam nữ, bất bình đẳng giới.
Một số gia đình ở vùng nông thôn hoặc có thu nhập thấp phải dùng hết tiền tiết kiệm để con trai lấy vợ. Một số cặp đôi trẻ, từng có mối quan hệ tốt đẹp, đã chia tay vì nhà trai không thể đáp ứng yêu cầu sính lễ của nhà gái.
Hồi tháng 1, tỉnh Giang Tây, phía đông nam Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng của Tân Hoa Xã về mức sính lễ trung bình, với con số thống kê được ở khoảng 380.000 nhân dân tệ (54.000 USD), chưa gồm các tài sản khác đi kèm như ôtô và nhà ở.
Vào tháng 2, một tài liệu chính sách quan trọng của Trung Quốc cho năm 2023 đã vạch ra kế hoạch giải quyết vấn đề sính lễ đắt cắt cổ và các thủ tục cưới xa hoa.
Động thái này được triển khai khi Trung Quốc vừa ghi nhận dân số lần đầu sụt giảm kể từ năm 1961.