Trước đó, anh từng kết hôn với tấm standee hình nam idol Kpop Jimin (BTS), trải qua 18 lần phẫu thuật thẩm mỹ với chi phí lên tới 175.000 bảng Anh (khoảng 241.990 USD) để có ngoại hình giống thần tượng.
Ngày 19/6, London chính thức khẳng định danh tính trên Twitter cá nhân, đồng thời đăng tải hình ảnh quốc kỳ Hàn Quốc có màu cầu vồng lục sắc vốn đại diện cho cộng đồng LGBT.
Ngày 26/6, London tiếp tục đăng tải video trên Youtube đính chính mình "không còn là người Anh". Tuy nhiên, màn công khai của nam influencer 31 tuổi nhận về đa số bình luận tiêu cực.
|
Oli London còn gây sốc khi tiết lộ đã trải qua 18 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình giống thần tượng Jimin (BTS) và không có ý định dừng lại trừ khi đạt được mục đích. Ảnh: Al Bawaba.
|
Trả lời VICE, Oli London cho biết anh lần đầu tiếp xúc với văn hóa xứ kim chi vào năm 2013. "Tôi từng sống ở Hàn Quốc một năm, làm giáo viên tiếng Anh. Trải nghiệm ấy thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi".
Dù luôn thể hiện niềm say mê với đất nước cách nơi mình sinh ra hơn 8.800 km, London vẫn nhận về luồng ý kiến chỉ trích từ người dân bản xứ.
"Anh ta sẽ không thay đổi màu quốc kỳ Hàn Quốc nếu thực sự tôn trọng đất nước tôi. Thật sự là nước này chưa cởi mở với cộng đồng LGBT, nhưng cách tiếp cận văn hóa như vậy khó có thể chấp nhận được", Sanghwa Eden Shin (31 tuổi), người Hàn sống ở Ấn Độ, nói.
"Fan cuồng, chiếm đoạt văn hóa"
Nhiều ý kiến lên án London vì hành vi chiếm đoạt văn hóa Hàn Quốc, bị ám ảnh với nam ca sĩ Jimin (BTS). Không ít dân mạng gọi anh là "sasaeng fan" - người hâm mộ Kpop một cách quá mức.
"Văn hóa Hàn Quốc có nhiều thứ để nói hơn là âm nhạc. Anh ta không thể khẳng định mình là 'người Hàn Quốc' nếu không có nguồn gốc, hiểu biết về văn hóa bản xứ", Soojinn, một cô gái người Mỹ gốc Hàn sống ở Canada, bày tỏ.
|
Oli London quyết tâm thay đổi ngoại hình để trở thành người Hàn Quốc sau khi sống và làm việc ở nước này một năm. Ảnh: Daily Star.
|
Thuật ngữ "transracial - xuyên chủng tộc" từng gây nhiều tranh cãi. Theo Từ điển Cambridge, từ này chủ yếu được sử dụng cho những gia đình nhận con nuôi từ chủng tộc khác với họ.
Nhưng Oli London lại định nghĩa rằng thuật ngữ trên ám chỉ các cá nhân cảm thấy bị mắc kẹt trong nền văn hóa và chủng tộc của chính họ. "Tôi có cảm giác này kể từ chuyến thăm xứ kim chi cách đây nhiều năm", anh chia sẻ với VICE.
Nam influencer không phải người đầu tiên tự nhận là người "xuyên chủng tộc". Khoảng 6 năm trước, nhà hoạt động Rachel Dolezal bị sa thải vì cố gắng trở thành một phụ nữ da màu trong khi cô là người da trắng.
|
Dù bị chỉ trích gay gắt, Oli London vẫn tự tin khẳng định mình là người Hàn Quốc. Ảnh: Twitter.
|
Năm 2014, một người đàn ông Brazil đã phẫu thuật để có đôi mắt trông "châu Á hơn" sau một năm sống ở Hàn Quốc.
Năm 2020, nhà sử học Jessica A. Krug đăng tải bài luận trên trang Medium, tiết lộ là cô đã nói dối về việc mình là người da đen suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, Oli London không có trải nghiệm văn hóa như người Hàn hay bất kỳ người châu Á nào trên toàn cầu.
Nhà báo Sandra Song nhận định hành động của anh không chỉ dấy lên vấn đề phân biệt chủng tộc, mà còn tô đậm những khó khăn mà công dân xứ kim chi phải đối mặt.
"Những gì London làm chỉ là chiếm đoạt những nét đẹp văn hóa như Kpop và ẩm thực, không thực sự hiểu rằng người bản xứ vẫn chịu ảnh hưởng từ hành vi kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử từ phương tây", Song viết trên tờ The Paper.
Tuy nhiên, London vẫn tự tin vào lập trường cá nhân. Anh cho rằng dân mạng đang đánh giá sự việc một cách hà khắc vì anh "không đi theo chuẩn mực".
"Họ chỉ muốn bắt nạt, hạ thấp tôi thôi. Những ai gọi tôi là phân biệt chủng tộc mới chính là kẻ đang thực hiện hành vi đó. Tôi nhận mình là người Hàn Quốc từ 4 năm trước, nhưng gần đây mới có đủ can đảm để công khai với thế giới".