Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là địa điểm du lịch xanh sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm; cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ.
Một góc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Nguyên Phong
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài được biết đến, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.
Ngoài ra, vùng biển của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có rạn san hô rất phong phú. Đây còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Ngày 26/5/2009 UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, với tổng diện tích là 371.506 ha, bao gồm vùng lõi 17.329 ha, vùng đệm 43.309 ha, vùng chuyển tiếp 310.868 ha.
Cột cờ Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Phong
Trong đó, các vùng rừng ngập mặn nguyên sinh trên đất mới bồi, tạo nên bãi sinh đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy, hải sản cho cả một vùng rộng lớn – vịnh Thái Lan.
Các vùng đệm và vùng chuyển tiếp bao quanh vùng lõi làm nên một hành lang rộng lớn, đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, như rừng ngập mặn, bãi bùn, đầm lầy ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú, có giá trị bảo tồn cao.
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Với tổng diện tích gần 970.000ha, khu sự trữ sinh quyển Đồng Nai chia làm 3 phần là vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó, có hơn 80% diện tích vùng lõi nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Ảnh: Thế Anh
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được thành lập trên cơ sở mở rộng Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên cũ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các khu vực cấu thành gồm Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, Khu Ramsar Bàu Sấu, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An – Đồng Nai.
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được xem như lá phổi xanh cho khu vực Đông Nam Bộ, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Với cảnh quan tươi đẹp, hệ thống động thực vật đa dạng và phong phú cả về số lượng và chủng loại, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: TL
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
Rừng ngập mặn Cần Giờ sở hữu điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.
Vườn quốc gia Tràm Chim
Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã trở thành khu Ramsar thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 của Việt Nam. Vườn quốc gia Tràm Chim là khu vực có hệ sinh thái độc đáo, có tầm quan trọng đặc biệt cho các vùng lân cận, các hệ sinh thái ngập nước, có nhiều nhóm loài đặc hữu quý hiếm, nhóm loài di cư đa dạng.
Hoa hoàng đầu ấn là điểm nhấn du lịch trong những năm gần đây tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
Nơi đây có hàng trăm loài chim, thực vật và cá bản địa. Nhiều quần thể lớn các loài chim nước có mặt nơi đây, đặc biệt là vào mùa đông. Sếu đầu đỏ, loài biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim, là loài được xếp hạng sẽ nguy cấp ở cấp toàn cầu và cấp quốc gia.
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Năm 2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Ảnh: Báo Long An
Năm 2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Khu Láng Sen thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười, có hệ sinh thái đa dạng. Vùng Láng Sen có 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má, ác là…
Ngoài động vật, nơi đây còn có thảm thực vật tự nhiên ven sông rạch phong phú. Vào mùa khô, đây còn là chỗ trú ẩn của các loài bò sát như rắn ri, rùa, cua đinh, lươn, cá lóc…