|
HLV Park Hang-seo cần đội trưởng Văn Quyết sớm trở lại với phong độ đỉnh cao. Có Văn Quyết, hàng công áo đỏ sẽ mạnh mẽ và biến ảo hơn nhiều. Ảnh: Minh Chiến. |
Bao giờ Văn Quyết ghi bàn trở lại?
Đội trưởng tuyển Việt Nam đang là rắc rối lớn nhất của HLV Park Hang-seo trước thềm vòng knock-out. Mang trên mình tấm áo số 10 và chiếc băng thủ quân, Văn Quyết lẽ ra phải là người lĩnh xướng hàng công, đưa đội tuyển tới thắng lợi.
Nhưng 4 trận đã qua, Quyết “rừng” vẫn chưa có một bàn thắng, một đường kiến tạo. Anh đá chính 2 trận và bị thay ra đúng 2 lần. 4 trận, Văn Quyết chỉ có 145 phút thi đấu. Quan trọng hơn, anh không tạo được ảnh hưởng, chơi lạc nhịp trên hàng công áo đỏ. Khi những cầu thủ tấn công chủ chốt như Anh Đức, Công Phượng, Quang Hải hay thậm chí cả Văn Đức, Tiến Linh đều đã tỏa sáng, Văn Quyết vẫn im lặng.
Dùng hay không dùng Văn Quyết thực sự là bài toán khó cho thầy Park. Ông không thể loại hẳn cầu thủ hay nhất V.League mùa này, người giàu kinh nghiệm thứ hai của đội tuyển, người đã ghi bàn trong cả 2 kỳ AFF Cup gần nhất.
Nhưng ông cũng không thể tiếp tục ưu ái một cầu thủ phong độ thấp khi giải đấu đã bước vào giai đoạn quyết định - nơi mỗi sai lầm đều sẽ khiến đội tuyển phải trả giá đắt.
Quang Hải đá tiền vệ trung tâm hay hộ công?
90 phút trước Campuchia là bằng chứng cho thấy khi được trả về vị trí hộ công, Quang Hải sẽ nguy hiểm thế nào. Tiền vệ của CLB Hà Nội ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn và khởi phát tình huống ăn bàn còn lại. Ảnh hưởng của Quang Hải trên hàng công là không thể thay thế.
Nhưng như đã nói, dùng Quang Hải ở vị trí hộ công sẽ làm giảm đi cơ hội ra sân của Văn Quyết. Ngược lại, dùng Hải ở tuyến giữa sẽ khiến đội tuyển thiếu đi chất thép.
Bản thân ông Park có vẻ thích Quang Hải đá tiền vệ tổ chức hơn. Xuyên suốt từ ASIAD 18, Hải “con” đã được đóng khung ở vị trí mới này. Ngay cả khi Xuân Trường hồi phục và ra sân, Hải vẫn chủ yếu thi đấu ở vòng tròn trung tâm.
Vì Quang Hải đang có phong độ cao nhất, ông Park sẽ ưu tiên xếp anh ở vị trí hợp lý nhất. Vị trí của Hải sẽ quyết định vai trò của các vệ tinh xung quanh anh.
Tuyển Việt Nam giữ sạch lưới tới bao giờ?
4 trận vòng bảng, Đặng Văn Lâm chưa một lần phải vào lưới nhặt bóng. Nhưng từ bán kết trở đi, đẳng cấp của các đối thủ sẽ cao hơn rất nhiều. Thành tích giữ sạch lưới khiến Văn Lâm tự hào, nhưng nó cũng có thể tạo ra áp lực ngược và trở thành con dao hai lưỡi, khiến các tuyển thủ dễ mắc sai lầm hơn.
Đây là thời điểm HLV Park Hang-seo cần làm công tác tư tưởng cho Văn Lâm và ba trung vệ. Hai lần vào bán kết AFF Cup 2014 và 2016, đội tuyển Việt Nam đều bị loại bởi những sai lầm tai hại từ hàng thủ. Không sai khi nói, phong độ của Văn Lâm và ba trung vệ sẽ quyết định thành bại của tuyển Việt Nam trước Philippines.
Làm sao để ghi bàn vào lưới Philippines?
So với tuyển Việt Nam, Philippines đã thủng lưới 3 bàn từ đầu giải. Nhưng đừng để các con số đánh lừa chúng ta. Trong 3 bàn ấy, có 2 lần lọt lưới đến sau khi Philippines đã dẫn 3-0 trước nhược tiểu Timor-Leste.
Ba trận khác trước Thái Lan, Singapore và Indonesia, hàng thủ của HLV Sven-Goran Eriksson chỉ để lọt lưới đúng 1 lần. Chính phong độ ấn tượng nơi hàng thủ đã giúp Philippines qua mặt các đối thủ để có mặt tại bán kết.
Nhiều người sẽ nghĩ tới vai trò của thủ môn đang chơi ở Ngoại hạng Anh Neil Etheridge. Nhưng Neil thực ra chỉ bắt chính 1 trận trước Singapore. Ba trận còn lại, Michael Falkesgaard là người gác đền của Philippines. Anh là thủ môn số một của Á quân Thai League 2018 Bangkok United và từng khoác áo tuyển trẻ Đan Mạch. Vị trí thủ môn chính là điểm tựa trong thành công của Philippines tại AFF Cup 2018.
Philippines chưa thể hiện sức mạnh thực sự?
Nếu chỉ nhìn vào các con số, Philippines là đội bóng kém ấn tượng nhất tại bán kết. Đoàn quân của HLV Eriksson mới ghi 5 bàn sau 4 trận, không sở hữu bất kỳ cầu thủ nào ghi quá 1 bàn. Các chiến thắng của Philippines (trước Timor-Leste và Singapore) đều chỉ có cách biệt 1 bàn.
Cách “Azkals” vận hành gợi tới hình ảnh tuyển Anh ở World Cup 2002 và 2006. Đấy là thứ bóng đá đơn giản, gọn gàng, đề cao tính hiệu quả với điểm nhấn là các chiến thắng sát nút 1-0.
Nhưng Philippines không chỉ biết phòng ngự. Khi cần thiết, họ có thể tấn công, có thể áp đặt và khiến các đối thủ ngẹt thở. Lấy trận gặp Thái Lan hôm 21/11 làm ví dụ. Sau khi để đối thủ dẫn bàn, các cầu thủ Philippines đã tràn lên. Trận đấu ấy kết thúc với tỷ số 1-1, Philippines kiểm soát bóng tới 59,1%, chuyền chính xác 89% so với 78,6% của Thái Lan. Những ai nghĩ rằng Philippines chỉ biết đá bóng bổng sẽ phải nghĩ lại.
Nhìn Philippines thi đấu, ta có cảm giác đội bóng này vẫn chưa “bung” hết sức mạnh. Ngay cả khi đã mất 5 trụ cột, Philippines vẫn là ẩn số đáng gờm.
90 phút tới tại Panaad sẽ là thử thách lớn nhất từ đầu giải cho tuyển Việt Nam và HLV Park Hang-seo.