Thêm chuyên gia nghi “hố tử thần” là họng núi lửa

Google News

"Hố tử thần" hình thành do đất đá thụt xuống chứ không phải là sạt lở, tràn sang hai bên nên rất đáng nghi ngờ.

- Đất đá sụt mất một khối lượng rất lớn chứ không phải sạt, tràn sang hai bên. Một số mẫu lấy tại hố là sản phẩm chỉ núi lửa mới có. Cách “hố tử thần” không đầy 5km là một núi lửa cổ…
 
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, kỹ sư địa chất (KSĐC) Nguyễn Văn Tùng, nguyên cán bộ của Liên đoàn Bản đồ địa chất - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, khẳng định Hà Nội hiện nay không những có núi lửa cổ mà còn có khá nhiều.
 
Kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Tùng
Kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Tùng
“Theo tài liệu địa chất, địa vật lý đã công bố, khu vực núi Ba Vì, núi Viên Nam với hàng trăm km2 hầu hết là đá núi lửa, được phun lên cách ngày nay 245-251 triệu năm. Dải đá núi lửa này còn kéo dài qua vùng Lương Sơn (Hoà Bình), xuống Kim Bôi và dài hơn nữa.
 
Dải đồi thấp nằm ngay đồng bằng từ Đông Nam huyện lỵ Quốc Oai kéo về Chúc Sơn (khu vực chùa Trăm Gian, chùa Linh Thông và chùa Hoả Tinh) cũng đều là đá núi lửa. Trong các dải núi này, chắc chắn có nhiều họng núi lửa cổ với những ống nổ miệng núi lửa đã bị lấp vùi”.
 
Nhận định về ý kiến của TS. Lê Huy Y cho rằng “hố tử thần” xuất hiện trên đường Lê Văn Lương kéo dài có nguyên nhân là họng núi lửa cổ, KSĐC Nguyễn Văn Tùng cho biết “nếu nhìn trên mặt đất thì không thấy “hố tử thần” có biểu hiện gì liên quan đến họng núi lửa cổ, các tài liệu địa chất thông thường cũng không thấy.
 
Mẫu khoáng vật định hướng đến núi lửa cổ do TS. Lê Huy Y lấy tại "hố tử thần" Lê Văn Lương
Mẫu khoáng vật định hướng đến núi lửa cổ do TS. Lê Huy Y lấy tại "hố tử thần" Lê Văn Lương
 
Tuy nhiên, xem kỹ bản đồ Địa chất tờ Hà Nội tỉ lệ 1:200 000 (Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Bắc, xuất bản năm 2000) cho thấy, tuyến đường Lê Văn Lương nằm trùng khít với một đứt gãy địa chất có phương Đông Bắc - Tây Nam, “hố tử thần” cũng nằm trên đứt gãy này. Các họng núi lửa thường gây nên đứt gãy địa chất, nhất là nơi giao nhau của chúng.
 
Một yếu tố khác cần xem xét là “hố tử thần” nằm cách núi Ninh Sơn chỉ gần 5km, nơi này có nhiều đá núi lửa cổ tạo thành đồi lớn. Rất có thể, tầng đất phong hoá tại chỗ bên dưới “hố tử thần” cũng có đá núi lửa, phân bố họng núi lửa cổ, bên trên bị tầng đất bột sét mỏng (đất ruộng) che lấp.
 
ghi chú
Nhìn trên bản đồ thấy có đường nét màu đỏ phương ĐB-TN cắt qua chiếc lá chính là đứt gãy dọc đường Lê Văn Lương (khoanh màu đỏ)
 
Cần khoan và lấy mẫu đất đá chứng minh sự có mặt của đá núi lửa. Bên ngoài, khảo sát mẫu đất cổ phong hoá dưới thành hố và lấy các mẫu trọng sa, kim lượng. Sự có mặt của các khoáng vật trọng sa đặc trưng có thể cho ta biết có họng núi lửa cổ hay không. Nếu cần thiết, phải dùng các phương pháp Địa vật lý xác định thêm”.
 
Đối với những mẫu vật địa chất do TS Lê Huy Y thu thập tại hiện trường KSĐC Nguyễn Văn Tùng cho rằng: “Theo tôi, các mẫu vật do TS Y lấy mới ở dạng định hướng ban đầu. Vì chưa được khảo sát kỹ lưỡng nên số lượng mẫu còn ít. Cần có thêm tài liệu về mẫu trọng sa, mẫu khoan nông (khoảng>50m) và có thể phải đo thêm một số phương pháp Địa vật lý mới đủ điều kiện khẳng định việc phát hiện miệng núi lửa cổ”.
Bờ kè phía bên công trình còn nguyên chứng minh đất đá không sạt, tràn mà là thụt xuống
Bờ kè phía bên công trình còn nguyên chứng minh đất đá không sạt, tràn mà là thụt xuống

Tuy nhiên KSĐC Nguyễn Văn Tùng cũng lưu ý một nghi vấn: “Việc sụt lún mất một khối lượng khổng lồ đất đá (ước khoảng 5.000m3) xuống “hố tử thần” rất đáng cho ta suy nghĩ vì ở các bên không có biểu hiện của đất đá tràn qua như sạt lở mà là thụt xuống. Điều đó cho thấy dưới sâu - đáy “hố tử thần” - có hố rỗng lớn làm đất đá tụt mất”.

“Nguyên nhân dễ liên quan đến miệng núi lửa cổ gây ra hố rỗng. Cũng có thể, có hang đá vôi ngầm bên dưới (hang karst) vì núi Tử Trầm toàn đá vôi cũng cách xa miệng hố khoảng 6km về phía Tây Nam. Nhưng hang hốc karst sẽ có các khoáng vật đặc trưng khác”.
 
Vũ Chương
[links()]

Bình luận(0)