Mọi cái đổ hết lên đầu phụ nữ

Google News

Đó là những chia sẻ của bà Tô Thị Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam.

- Xã hội phát triển, đời sống được nâng cao, nhưng dường như để được bình đẳng, người phụ nữ lại đang phải chịu rất nhiều áp lực: Phấn đấu trong công việc chuyên môn, chăm sóc cho gia đình, nuôi dạy con cái trong vô vàn nỗi lo lắng... Đó là những chia sẻ của bà Tô Thị Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.

Tự mình hạ thấp vai trò bình đẳng

Có ý kiến cho rằng để được bình đẳng, phụ nữ phải chịu nhiều vất vả quá: Vừa lo công tác xã hội, vừa lo công việc gia đình. Là người nhiều năm làm công tác phụ nữ, bà suy nghĩ gì về vấn đề này?

Phụ nữ muốn bình đẳng được thì bản thân mình phải học tập, phấn đấu rèn luyện, trong gia đình phải nuôi dạy con tốt. Từ chỗ bản thân mình phấn đấu tốt, rèn luyện tốt thì vai trò của mình trong xã hội mới được bình đẳng. Giai đoạn trước, phụ nữ phấn đấu rất tốt, tham gia lao động sản xuất, làm ra tiền, nuôi dạy con cái chu đáo, được chồng tôn trọng. Nhưng gần đây sự bình đẳng của phụ nữ trong gia đình và xã hội hơi yếu.

Tại sao lại yếu, thưa bà? Hiện nay trong lĩnh vực nào, kinh doanh, nghiên cứu khoa học hay nghệ thuật cũng có rất nhiều chị em giỏi giang và năng động.

Điều đó là không thể phủ nhận. Nhưng lại có tình trạng, khi đời sống kinh tế khá lên, một số ông chồng kiếm được nhiều tiền thì người phụ nữ chỉ ở nhà trông con, hoặc nếu có tham gia công tác xã hội cũng chỉ lơ phơ lớt phớt, làm cho có chứ không phấn đấu hết mình... Vì thế mà nhiều cơ quan ngại tuyển lao động nữ. Như vậy là tự mình hạ thấp vai trò bình đẳng.

Theo tôi, phụ nữ ở nhà trông con cũng là một sự phân công hợp lý. Bởi việc chăm sóc con cái, gia đình cũng rất quan trọng và nặng nhọc. Chỉ có điều ở nước ta điều đó lại chưa được đánh giá đúng. Việc nhà vẫn bị coi là việc vặt.

Ở các nước phát triển, do văn hoá và điều kiện sống cao, việc chăm sóc con cái, gia đình rất được coi trọng. Phụ nữ có thể không đi làm, nhưng vị thế của họ vẫn được đảm bảo, họ được tạo điều kiện để chăm sóc gia đình. Khi phải đi làm họ cũng vẫn có thể yên tâm vì xã hội có các chế độ chăm sóc trẻ con rất cao. Còn trong xã hội ta, nếu phụ nữ không đi làm, người chồng có lương cao sẽ nắm quyền quyết định nhiều hơn, vì vậy việc bình đẳng của phụ nữ có yếu hơn.

Nếu đòi hỏi người phụ nữ vừa làm tốt việc cơ quan, về nhà vẫn phải lo hàng đống việc nhà như vậy thì quá nặng.

Tôi nghĩ không có gì là quá cả. Ở cơ quan được giao nhiệm vụ thì làm hết sức mình. Hết giờ về nhà vợ chồng cùng nhau chăm sóc con cái, cùng nấu ăn... có phải là hạnh phúc không.

Sắp xếp để có thời gian cho con

Được thế thì lý tưởng quá rồi. Nhưng nếu trong gia đình cả hai bố mẹ đều bận công việc, tối nào cũng đến 8 - 9h mới về đến nhà... thì rất không ổn.

Đó là một thực trạng ngày càng phổ biến và chưa có lời giải. Cả hai vợ chồng đều bận, mọi việc trong nhà phó mặc cho người giúp việc từ trông nom con cái, đưa đón đi học, tắm rửa, cho học rồi cho đi ngủ... bố mẹ về thì nó đã ngủ rồi. Có những đứa trẻ chỉ mong gặp bố mẹ buổi tối, mà cả tuần không gặp được. Như thế có còn là một gia đình hay không?

Mỗi người phải biết lựa chọn và tự sắp xếp cuộc sống của mình. Nhưng tôi nghĩ cũng phải có các chính sách xã hội hỗ trợ cho phụ nữ nữa chứ. Tôi nhớ là trước đây, các cơ quan đều có nhà trẻ, lớp mẫu giáo để trông nom con cái cho cán bộ, nhân viên?

Thời chúng tôi là thế đấy. Con được 2 tháng tuổi đã phải đưa đến nhà trẻ để mẹ đi làm chứ đâu có được nghỉ nhiều như bây giờ. Nhưng rất yên tâm vì các cô giáo chăm sóc tốt, chu đáo. Mà có phải mất tiền nong gì đâu. Chính sách xã hội rất quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, cho phụ nữ  lao động, học tập và sản xuất tốt. Khi đó có chính sách các cơ quan xí nghiệp đông cán bộ là nữ thì phải tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Và khi xây dựng một khu tập thể là bắt buộc phải có nhà trẻ, có lớp mẫu giáo...
 
Giờ thì nhiều nơi có nhà trẻ đâu. Các khu công  nghiệp, nhà ở cho công nhân còn không đủ, thì lấy đâu ra nhà trẻ. Bây giờ thì vất vả thật, nguyên chuyện học hành của các cháu đã vất vả lắm rồi.

Bà Tô Thị Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội.
Bà Tô Thị Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội.

Phải biết cái gì tốt cho mình

Tôi thấy mọi cái đang đổ hết lên đầu phụ nữ: Lo gửi con ở đâu, học mẫu giáo ở đâu, tiểu học xin vào đâu, rồi đưa đón, học thêm... Trăm nghìn nỗi lo. Rõ ràng là phụ nữ ngày nay vất vả hơn trước đây?

Nói thế cũng không hẳn đúng. Trước đây đời sống khó khăn, nhìn ra xung quanh ai cũng như mình, chả có gì nhiều để mà lựa chọn. Như chúng tôi, hai vợ chồng làm công nhân, ở nhà tập thể, con gửi nhà trẻ, cũng không phải học thêm...
 
Còn ngày nay đời sống kinh tế xã hội được nâng lên rất cao, điều kiện sống của mỗi gia đình cũng tốt hơn rất nhiều. Và đối với những người kinh tế khá, người ta tự lo và có sự lựa chọn của riêng họ. Ví dụ, nếu học theo đúng tuyến thì không được vào trường tốt, vậy là người ta phải xin cho con vào trường tốt, trường điểm. Và thế là lại mất tiền chạy chọt, mất công đưa đón, vất vả...

Tức là cái sự vất vả ấy là do mình lựa chọn?

Xã hội phát triển tạo ra cho mỗi người nhiều cơ hội để lựa chọn. Đó là điều tốt chứ. Nhưng phải biết cái gì tốt cho mình, cho gia đình mình. Tiền nhiều có phải là tốt không? Nếu nhiều tiền mà không có thời gian ở bên con cái, bên những người thân yêu của mình thì liệu có hạnh phúc? Hoặc nếu chỉ nhăm nhăm muốn điều tốt cho mình, cho con cái mình mà bất chấp mọi thứ, coi thường kỷ cương pháp luật... cũng không được.
 
Điều đáng nói là chúng ta đang mất đi một thứ vô cùng quan trọng là truyền thống đạo đức. Ngày xưa làm gì có những chuyện chồng giết vợ, bố giết con, cháu giết bà... vì tiền. Trước đây đi đâu vắng, tôi có thể gửi chìa khoá cho hàng xóm. Nhưng giờ thử hỏi mấy ai dám làm thế, đến con cháu trong nhà cũng còn không dám gửi.

Sự xuống cấp về đạo đức đó một phần cũng là do giáo dục gia đình. Tôi nghĩ rằng nếu thực sự coi việc nuôi dạy một đứa trẻ là quan trọng thì trong gia đình phải có sự phân công thế nào đó để một trong hai người, cha hoặc mẹ có được nhiều thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con. Và một khi đã coi đó là việc quan trọng, thì xã hội cũng phải tạo điều kiện để mỗi người, đặc biệt là phụ nữ có điều kiện chăm sóc cho gia đình.

Sự xuống cấp về đạo đức là do môi trường giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội chưa được tốt. Tôi nghĩ rằng để có lớp người mới xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp thì việc giáo dục đạo đức phải là hàng đầu. Cả 3 môi trường này phải có mối quan hệ mật thiết với nhau thì giáo dục mới đạt kết quả tốt.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Tôi nghĩ mọi việc là do mình cả. Nhiều khi chúng ta buộc phải lựa chọn. Phải sắp xếp công việc của mình như thế nào đấy để làm sao có thời gian quan tâm đến con cái, đến gia đình. Đó mới là vấn đề. Chứ để công việc, chuyện kiếm tiền cuốn đi thì sẽ xảy ra tình trạng các mối liên hệ trong gia đình lỏng lẻo. Trẻ con sa vào tệ nạn xã hội là do bố mẹ quan tâm chưa đầy đủ. Nghĩ mình kiếm được nhiều tiền, rồi bù đắp sự thiếu hụt quan tâm cho con cái bằng tiền bạc, vật chất... thường dẫn tới những hậu họa khôn lường.
 
Nhật Minh (Thực hiện)
[links()]

Bình luận(0)