Hà Nội từng bị “oanh tạc” bởi thiên thạch?

Google News

"Có thể đây là dấu vết hai tảng thiên thạch rất lớn vỡ ra thành các viên đá lớn rơi xuống Trái Đất, tạo nên những hố lớn trên đồng bằng"

(Kienthuc.net.vn) - Trao đổi với Kienthuc.net.vn, kỹ sư địa chất (KSĐC) Nguyễn Văn Tùng, nguyên cán bộ của Liên đoàn Bản đồ địa chất - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra nghi vấn từng có rất nhiều mảnh thiên thạch rơi xuống Hà Nội.
 
Xuất phát điểm của nghi vấn này là những bức ảnh chụp từ vệ tinh và truyền thuyết “dấu chân ngựa Gióng”. Kienthuc.net.vn chuyển đến bạn đọc tóm lược nhận định này.

Đã từ lâu, tôi lần theo truyền thuyết “dấu chân Ngựa Gióng” để tìm hiểu về những vết tích có thực này. Năm 1995, khi nghiên cứu về Than bùn vùng trũng quanh TP Hà Nội, tôi được chứng kiến khá nhiều hố “vết chân ngựa Gióng” (hố nước nhỏ) trên cánh đồng Lỗ Giao xã Việt Hùng phía đông thị trấn Đông Anh.
đá
Dấu vết nghi là các hố thiên thạch ở cánh đồng Uy Nỗ-Đông Anh (Ảnh Wikimapia)

Tôi không lạm bàn về các truyền thuyết tâm linh, về ý chí và sức mạnh quật cường của dân tộc ta chống giặc phương Bắc từ mấy ngàn năm trước. Dưới con mắt khoa học, tôi chỉ muốn đi tìm lại các “dấu chân ngựa Gióng” để giải thích một hiện tượng thiên nhiên vô cùng hiếm có, đã được nhân dân ta thần thánh hoá từ bao đời nay.
 
Có thể sau đây sẽ có thêm nhiều bài nghiên cứu sâu và nhiều tranh luận khoa học về vấn đề này. Cũng có thể, có nhiều người tỏ ý phản đối, cứ để cho truyền thuyết hào hùng chống giặc ngoại xâm Trung Quốc từ ngàn xưa sống mãi, hun đúc ý chí độc lập tự cường của dân tộc ta, nhất là trong thời gian hiện nay. Nhưng cần nói ngay rằng, đây là hiện tượng có thật, từ xa xưa đã xuất hiện và để lại dấu tích trên đồng bằng Bắc Bộ. Những người làm công tác khoa học cần giải thích về nguồn gốc các hố này.
 
Nếu phóng to ảnh vệ tinh chụp đồng bằng phía Đông Bắc Hà Nội, ta sẽ gặp rất nhiều hình đa giác, hình oval màu thẫm nổi trên mặt đồng ruộng phẳng lỳ phía Đông thị trấn Đông Anh.
 
Lần theo các vết tích có thực (xin đừng tìm địa chỉ theo truyền thuyết dân gian) còn lại cho đến ngày nay, ta sẽ thấy các ao nhỏ “dấu chân ngựa Gióng” phân bố nhiều thành một dải rộng không đều, kéo dài từ các xã Liên Hà, Uy Nỗ, Xuân Nộn, Nguyên Khê của Đông Anh, qua sông Cà Lồ sang các xã Phủ Lỗ, Đồng Xuân, Mai Đình, Tiên Dược và Phù Linh của huyện Sóc Sơn.
 
Toàn tuyến kéo dài tới hơn 20km theo phương gần như kinh tuyến. Các dấu vết này còn  găp rải rác ở các xã bên cạnh với vài vết khá xa nhau, xa dải ao ta đang tìm kiếm.

Một vùng khác theo dân gian cũng thấy có nhiều vết ao nhỏ “dấu chân ngựa Gióng” là xung quanh thị trấn Phố Mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Tại đây, các ao nhỏ phân bố nhiều ở Phố Mới và các xã lân cận như Bồng Lai, Việt Hùng, Bằng An, Phương Liễu và Phượng Mao.
 
Khu vực làng Giang Liễu và nhà máy kính Việt Nhật cũng còn nhiều dấu vết. Có thể, các xã bên cạnh như Cách Bi, Đào Viên, Phú Lương, Quế Tân cũng có nhưng ít hoặc đã bị đất bồi trẻ vùi lấp nên không thấy rõ. Nhìn trên ảnh vũ trụ ta cũng thấy vùng này có rất nhiều vết hố nhỏ như Đông Anh - Hà Nội. Đây là các dấu hiệu không bình thường.
bh
Dấu vết nghi hố thiên thạch ở phía tây Quế Võ-Bắc Ninh (Ảnh Wikimapia)

Có thể thấy rằng, hai khu vực dấu vết này không liền nhau. Dải Đông Anh kéo dài tới hơn 20km, còn vùng Quế Võ lại có dạng đoản, hơi kéo dài phương Đông Tây hơn 10km. Chính vì vậy, có nhiều câu chuyện về Thánh Gióng vùng Phù Đổng qua Đông Anh lên núi Vệ Linh lại gắn với những dấu vết bên thị trấn huyện Quế Võ. Việc nhầm lẫn này cũng là lẽ thường vì cả hai bên đều được gắn với dấu chân ngựa, dấu cây tre đằng ngà và tên làng Cháy.

Ý kiến nhận định ban đầu của tôi về nguyên nhân thực tế của sự thành tạo các hố nhỏ này là do Thiên thạch (Meteorite) rơi xuống Trái đất. Lần lại dấu tích, nhận xét có thể đây là dấu vết hai tảng thiên thạch rất lớn vỡ ra thành các viên đá lớn rơi xuống Trái Đất, tạo nên những hố lớn trên đồng bằng.
 
đa
Một dấu vết  thực tế trên cánh đồng Uy Nỗ - Đông Anh

Một nhóm đá rơi ở vùng Đông Anh và một nhóm khác ở vùng Quế Võ. Vì hai dải này có phương kéo dài khác nhau nên có thể không rơi cùng một thời điểm. Nếu biết dấu vết từ ban đầu, ta sẽ biết rõ hướng rơi của dải thiên thạch vì quan sát được hình dạng các hố.
 
Đã qua hàng ngàn năm, do bàn tay con người tác động nên chỉ thấy các dấu vết đã bị phong hoá và san lấp còn lại. Nay căn cứ vào các dấu vết hiện hữu, từ các hố ao chuôm thưa dần và kéo dài nên có thể tạm thời xác định dải Đông Anh có hướng chạy lên Sóc Sơn và dải Quế Võ có hướng về phía Tây Bắc. Điều này cho thấy hai dải này có sự khác biệt”.

Nếu hướng nhận định này được công nhận thì cần có thêm các khảo cứu khoa học nghiêm túc về lịch sử, cổ địa lý, về sự ảnh hưởng của các thiên thạch đến môi trường hiện nay… Đặc biệt, có thể tìm thấy các viên đá thiên thạch cổ bị chôn vùi sâu trong tầng đất. Các tảng đá thiên thạch hiện nay rất có giá trị trên thị trường.

KSĐC Nguyễn Văn Tùng
 [links()]

Bình luận(0)