Chúa dựng con người ngay thẳng, nhân loại bày lắm mưu mẹo

Google News

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang lý giải rất sâu sắc về văn hóa, truyền thống của Việt Nam...

- Suốt một đời lặng lẽ nghiên cứu, viết sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang là một trong số ít học giả chân chính biết quên đi những thứ không đáng nhớ để làm được thật nhiều công việc chuyên môn. Hiểu biết sâu rộng về văn học cổ, ông có những lý giải rất sâu sắc về văn hóa, truyền thống.

Nhiều lúc thấy mình lạc lõng quá!

Với 70 đầu sách đã in (trong đó có nhiều cuốn tái bản nhiều lần). Làm thế nào ông viết được nhiều như vậy?

Đó là vì tôi đã tự xác định, việc gì cũng chỉ nên trông cậy vào bản thân mình. Chính điều đó đã cho tôi sự tự do. Tự do để nghiên cứu những cái mà mình thấy là cần thiết, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Tôi viết ra với một lòng tin mạnh mẽ: Sách của tôi chắc chắn có một đời sống lâu dài nữa.

Tôi có một thắc mắc nhỏ. Lần nào đến tôi cũng thấy trong phòng ông còn mấy bưu kiện sách chưa được mở. Vì sao ông không mở?

Đây là sách người ta gửi cho tác giả nhưng mở ra làm gì, có ai đọc đâu?

Như thế có cực đoan quá không, thưa ông?

Tôi không cực đoan mà thực tế đúng như thế đấy. Thư viện thì thất nghiệp, có mấy ai đọc sách nữa. Dân tộc này bị phá hoại nhiều cái dễ sợ. Nhiều lúc thấy mình lạc lõng quá. Ngay như việc viết sách cũng vậy. Con cái bảo, ngày nào bố cũng viết thế để làm gì. Rau muống vẫn lên, phở vẫn lên.

Tôi nghĩ mỗi thế hệ có sứ mệnh của mình. Thế hệ của ông đã tìm, khôi phục, đã dịch được những tác phẩm bằng chữ Hán, chữ Nôm của các cụ, như vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ. Còn thế hệ trẻ ngày nay có nhiệm vụ của họ.

Đó là điều chắc chắn rồi. Vì vậy làm một việc gì, lòng tôi bao giờ cũng hướng về ba phía: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn lại quá khứ để biết ơn ông cha ta cho ta cái để làm hôm nay. Nhìn vào hiện tại để biết ơn người hôm nay đã giúp ta làm cái hôm qua. Và nhìn về tương lai để dám nhận lãnh trách nhiệm của mình đối với những thế hệ mai sau. Trên nền tảng đó, các thế hệ sau sẽ tiếp tục hoàn thiện nó. Họ chắc chắn giỏi hơn chúng ta, sẽ nghiên cứu, tìm ra vô số cái mới mẻ.

Tôi đọc tập 3 cuốn "Lời quê chắp nhặt" của ông thì mới hiểu công việc nghiên cứu văn bản cổ gian nan đến thế nào.

Tôi quan niệm muốn "tinh" thì phải "đa". Không đa thì rút cục không tinh được cái gì hết. Vì vậy, sau khi đã mò mẫm về các phương pháp khoa học xã hội mà chưa thấy tý ánh sáng nào trong việc tìm hướng đi, tôi bèn đi học khoa học tự nhiên. Bằng trực giác, từ rất sớm tôi đã lơ mơ thấy trong khoa học tự nhiên cái cụ thể của khái niệm lễ nhạc trong văn minh Trung Hoa. Tôi luôn say mê sự hài hòa của khoa học tự nhiên, vì chính nó mà tôi thấy được cái đẹp của khoa học xã hội. Vì vậy tôi đi hẳn vào khoa học tự nhiên. Tôi muốn chính xác hóa việc nghiên cứu các vấn đề văn học theo tinh thần logic của khoa học tự nhiên. Tôi đi vào nghiên cứu ngôn ngữ của các tác phẩm văn học.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang.

Tính trung thực là mầm mống của văn hoá

Tại sao ông lại chọn mảng khó nhất là văn học cổ?

Trong các môn học dạy ở nhà trường, môn văn học cổ có một tác dụng giáo dục toàn diện hơn cả. Văn học cổ là môn học rèn luyện cách làm người cho học sinh. Vì lẽ đó mà người ta gọi văn học là nhân học, nhằm hun đúc cho con người cái chân, cái thiện, cái mỹ. Di sản văn học cổ mãi mãi khẳng định, biểu dương và cổ vũ tất cả những cố gắng của con người hướng về cái đẹp, cái lẽ phải công bằng của đạo lý cổ truyền dân tộc và mãi mãi là nền tảng ban đầu có tác dụng to lớn đào luyện con người. Xã hội ta, một số mặt còn chưa thật tốt. Tôi tin rằng nó sẽ tốt hơn nếu ta biết, như bất kỳ xã hội nào khác, là giáo dục nó bằng văn học cổ. Thiên tài từ đây mà có. Vì cái tạo ra nó là tinh thần, trách nhiệm: trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với Tổ quốc... Cũng như thiên tài, cái tạo ra nó là đạo lý.

Đạo lý có phải là những quy chuẩn về cách hành xử, là những giá trị văn hóa của một dân tộc?

Có thể nói từ khi con người biết tư duy là đã có văn minh và văn hóa. Văn hóa là tập hợp những phương tiện hiểu biết, còn văn minh là tập hợp những cách suy nghĩ và cách sống của một tập thể người. Văn hóa đi từ cái nhỏ, cụ thể đã ăn sâu vào tâm lý con người mà hình thành nên. Văn hóa của loài người thực sự bắt đầu với tính ngay thẳng, trung thực. Kinh Cựu ước, kinh Phật, kinh Koran, kể cả tư tưởng triết học phương Tây đương đại vẫn còn nhắc nhở ta cùng một tiếng nói đó. Cho nên đông tây kim cổ luôn coi tính ngay thẳng trung thực là mầm mống của văn hóa, vì không có cái đó thì không thể hình thành nên một điều gì tốt đẹp cho loài người. Mọi cái tốt đẹp đều bắt nguồn từ văn hóa. Văn hóa, cái làm ra nó là sự ngay thẳng. Kinh Dịch cũng nói: "Xem xét tính ngay thẳng của loài người lo trau dồi nó khiến cho cả thiên hạ hóa nên phong tục tốt đẹp"

Nhưng cũng có người cho rằng cái truyền thống lại cản trở sự phát triển và để phát triển phải chấp nhận mất truyền thống?

Văn hóa quyết định truyền thống của một dân tộc. Và chính truyền thống đảm bảo tiền đồ của dân tộc đó. Nếu không nhận diện đúng được truyền thống thì không đảm bảo được sự đi lên vững chắc, sự phát triển đúng hướng được. Chính UNESCO cũng đã đưa ra Tuyên bố Venise để nhấn mạnh tính cấp bách của việc nghiên cứu khoa học chính xác, khoa học xã hội, nghệ thuật và truyền thống. Nhiều nước đã tiến hành việc nghiên cứu nhìn nhận lại mình để định hướng cho tương lai. Đáng tiếc là vấn đề này vẫn chưa được nhận diện thực rõ ở ta. Chúng ta về mặt nào cũng đang dần mất đi những cái học thực chất, thay thế vào đó là không khí thời đại "mỳ ăn liền".

Theo ông, phải làm thế nào để văn hóa thực sự trở thành mục tiêu, thành động lực phát triển?

Kinh thánh nói: "Đức Chúa Trời đã dựng nên con người ngay thẳng, song khổ nỗi nhân loại bày ra lắm mưu mẹo". Như vậy xã hội nào cũng có những con người hư hỏng. Muốn cải tạo họ, điều tiên quyết là đào luyện con người trở thành ngay thẳng như ban đầu, tức là những con người bắt đầu đã manh nha những mầm mống văn hóa.

Tôi mạo muội xem Khoa học & Đời sống là cố nhân vì nghĩ mình là bạn đọc của báo từ số đầu tiên năm 1959. Đến cuối năm 1969 nhà tôi đã chật cứng những giá sách, không còn chỗ để báo liền số nữa. Tôi đành biếu lại hàng chục cân báo cho một người bạn. Nay vì "nể lòng người cũ" mà đã "vâng lời một phen" và không muốn nói thêm một ý nào nữa. Cổ ngạn ngữ đã nhắc ta: Cuộc đời ngắn ngủi, không cho phép ta hy vọng quá xa!

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang sinh năm 1928 tại Nghệ An. Ông nguyên là Phó giáo sư Văn học Hán-Nôm thuộc Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã xuất bản hơn 70 đầu sách. Trong đó có các tác phẩm chính:  Nghiên cứu chữ Nôm - Những nền tảng ban đầu;  Nguyễn Đình Chiểu toàn tập; Lịch sử văn hoá Trung Quốc;  Từ ngữ văn Nôm; Từ ngữ điển cố văn học; Nguyễn Du toàn tập; Một số vấn đề văn học cổ trung đại Việt Nam; Nguyễn Du, Cuộc đời và Tác phẩm; Điển nghĩa Văn học Tập giải;  Từ điển Văn học Quốc âm... Năm 2012 ông đã được trao giải thưởng Nghiên cứu của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu Văn học Hán - Nôm của Việt Nam.
Nhật Minh (Thực hiện)

Bình luận(0)