Triển khai Nghị quyết 88: Có thể kiến nghị điều chỉnh, bổ sung

Google News

Mặc dù tạo điều kiện cho xã hội hoá giáo dục, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn phải nắm vai trò then chốt, điều phối việc triển khai chương trình.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều nay (14/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.

Không nóng vội trong quá trình cải cách

Sau khi nghe báo cáo của Đoàn giám sát và ý kiến của lãnh đạo ngành giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những đánh giá về kết quả của Đoàn giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên phiên giám sát chuyên đề của UBTVQH tiến hành phát thanh truyền hình trực tiếp bởi đây là chuyên đề giám sát hết sức quan trọng, được nhân dân và cử tri quan tâm.

Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch cũng như các quy định của pháp luật và làm việc nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm, khoa học và có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng kết quả giám sát.

Đánh giá cao sự phối hợp rất chặt chẽ của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành Trung ương có liên quan, các địa phương và sự phối hợp trách nhiệm, tích cực của Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trien khai Nghi quyet 88: Co the kien nghi dieu chinh, bo sung

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội nhận thấy báo cáo giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Điểm lại những kết quả nổi bật đạt được, ông Vương Đình Huệ nêu rõ, hệ thống văn bản được ban hành tương đối toàn diện, bao quát, các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới và đúng với tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung được xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển, bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới. Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản là theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học.

Đội ngũ giáo viên được bố trí tập huấn đầy đủ phục vụ chương trình mới. Nhà nước cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và triển khai chương trình mới.

“Có được kết quả này phản ánh Nghị quyết 88 là đúng hướng, tuy nhiên việc cải cách cần thời gian, quá trình, không nóng vội”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ.

Trien khai Nghi quyet 88: Co the kien nghi dieu chinh, bo sung-Hinh-2

Các đại biểu tham gia phiên họp.

Xem xét kỹ lưỡng lại các nội dung triển khai

Về hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ý kiến của Đoàn giám sát là có cơ sở. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo giám sát đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền, quán triệt, đổi mới chương trình thực sự chưa thực sự hiệu quả và còn có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội.

Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thì chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chương trình GDPT mới cần đánh giá kỹ hơn, về việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, xem xét kỹ kinh nghiệm quốc tế”.

Cùng với đó, đánh giá vai trò của sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sách giáo khoa là triển khai nội dung chương trình, nên không thể nói không quan trọng, chỉ nhận xét là học liệu đơn thuần thì không hoàn toàn đúng.

Đặc biệt cần phải có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ: "Cần nghiêm túc thực hiện nội dung Nghị quyết 88. Nếu trong quá trình tổ chức thực hiện Chính phủ và Bộ GD&ĐT thấy rằng cần phải điều chỉnh lại nội dung nghị quyết, thì phải báo cáo lại Quốc hội.

Có thể kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhưng phải có báo cáo đánh giá. Kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội lý do tại sao không biên soạn bộ sách và tại sao đến nay vẫn giữ quan điểm không biên soạn bộ sách”.

Đối với nội dung tích hợp, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy, cũng nên tiếp tục điều chỉnh, bởi tích hợp không phải chỉ là cộng các môn học.

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực giáo dục, đây là chủ trương lớn, cần quán triệt chỉ đạo của các cấp. Hiểu đúng và quá trình thực hiện phải bình tĩnh, khách quan, cẩn trọng.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý xem xét lại các khâu biên soạn, in, thẩm định, xét duyệt, lựa chọn, phát hành sách, thừa thiếu cục bộ giáo viên cần được xem kỹ lưỡng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong các vấn đề này.

Trien khai Nghi quyet 88: Co the kien nghi dieu chinh, bo sung-Hinh-3

Đánh giá Chương trình GDPT 2018 cần thời gian, xem xét toàn diện.

Trước đó, phát biểu ý kiến về việc tiến hành giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao việc triển khai công tác giám sát của Đoàn, đồng thời cho rằng quá trình triển khai của Đoàn đã bám sát Kế hoạch, thận trọng trong các đánh giá.

Theo đó, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục, việc phát huy hiệu quả mô hình thư viện sách giáo khoa... để ghi nhận đậm nét thêm về những gì đã đạt được.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ... để có những giải pháp, đổi mới giải quyết tốt tình trạng này trong thời gian tới. Cùng với đó, đề nghị rà soát thêm, bổ sung thời hạn đối với những những nhiệm vụ có thể xác định thời hạn cụ thể để làm cơ sở cho việc giám sát.

Trien khai Nghi quyet 88: Co the kien nghi dieu chinh, bo sung-Hinh-4

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Cũng tại phiên họp, phát biểu về giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật có liên quan, hiện tại sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quy định giá, căn cứ vào đăng ký giá của các nhà xuất bản, tỉ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian. Đến năm 2022, 2023, tỷ lệ chiết khấu của 2 đơn vị này chỉ ở mức 21 đến 22,5% chi phí.

Về việc cân đối nguồn lực thực hiện Chương trình GDPT 2018, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánhg giá trong Báo cáo của Đoàn giám sát đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn lực đảm bảo các điều kiện tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn để thực hiện phát triển cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn và Ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình có mục tiêu.

Tuy nhiên, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Quốc hội, việc xã hội hóa chương trình phổ thông cũng cần phải cân nhắc.

Do đó, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình này.

Theo Nguyễn Hoa Trà/Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)