Sáng 8/11, báo cáo về một số vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Chính phủ cho biết, về cập nhật tình hình kinh tế xã hội, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về đánh giá tình hình kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2023. Tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD, vừa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, trị giá 3,97 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao, thiên tai bão lũ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. |
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các địa phương đầu tàu phát triển thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ Tết.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu, đồng thời theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh, nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Về rà soát hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc cả về quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tập trung cho nhiệm vụ này, cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khóa, tiền tệ, xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
"Tuy nhiên, đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà, quy trình thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là với những vấn đề phát sinh mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, có nhiều vấn đề đã được Chính phủ tập trung xử lý trong thời gian qua, có kết quả cụ thể, tuy nhiên cũng có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả để tập trung khắc phục trong thời gian tới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.
Giải pháp phát triển ngành du lịch trong thời gian tới?
Tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, du lịch là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, con người và nguồn lực mềm, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi?.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng vào và cử tri cả nước. Nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.
Giải pháp thực hiện thành công việc đẩy mạnh phân cấp, phần quyền?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?.
|
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành. |
Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri và Nhân dân.
Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.
Mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn Hà Nội đặt vấn đề về việc Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn TP HCM cũng gửi đến Thủ tướng hai câu hỏi, thứ nhất, giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, giải pháp có tính đột phá. Thứ hai, đề nghị Thủ tướng cho biết việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Thủ tướng Chính phủ cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan. Nước ta là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế. Tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nên những văn bản, quy định có lúc theo kịp thực tiễn, có lúc chưa theo kịp được, quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức.
Thủ tướng cho biết, việc ra cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều mang tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa. Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.
Về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.
Với câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch COVID-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 ngàn tỷ chi cho cải cách tiền lương.
Đồng thời, song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động...