Thủ tướng: Dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Google News

Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ cho từng bộ, ngành liên quan, yêu cầu chủ động thực hiện hiệu quả trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.

Chiều 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, năm 2023 nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không thiếu, song do điều hành còn hạn chế nên xảy ra thiếu điện cục bộ, ở một số thời điểm. Năm 2024 và thời gian tới phải xây dựng kịch bản, điều hành, giám sát, kiểm tra việc điều hành điện, trên cơ sở căn cứ nguồn điện, tải điện, phân phối điện, tình hình sử dụng điện và giá điện.
Thu tuong: Dut khoat khong de thieu dien trong bat cu truong hop nao
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. 
Theo đó, trong năm 2024 xây dựng kịch bản điều hành điện trong điều kiện cả nước có tối thiểu 50.000 MW và tối đa là 52.000 MW điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Thủ tướng cho rằng, để đảm bảo nguồn điện phải đảm bảo đủ nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện bao gồm nước, than, khí..Trong đó, phải tạo điều kiện, khai thác tối đa nguồn than trong nước, chỉ nhập khẩu than khi trong nước không đáp ứng nhu cầu. Điều tiết nước, dự trữ nước tại các hồ đập cho cả sản xuất nông nghiệp và phục vụ thủy điện. Huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo vào hệ thống, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước; khai thác tối đa các dự án điện khí; đồng thời xem xét khả năng nhập khẩu nếu cần thiết…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan phải phối hợp chặt chẽ, rút kinh nghiệm từ việc vận hành năm 2023, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện từ nay đến năm và cả năm 2024.
EVN cần hoàn thiện kịch bản vận hành cung ứng điện bám sát nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải giám sát, kiểm tra, đôn đốc; Bộ Công thương phải làm tốt chức năng quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền trong việc này.
Cho ý kiến cụ thể về nguồn cung ứng than, Thủ tướng yêu cầu các bên như EVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải ký kết thoả thuận rõ ràng trên tinh thần khai thác tối đa nguồn than đang có, hạn chế phải nhập khẩu; thoả thuận rõ giá cả; dự báo sát nhu cầu tiêu thụ cho 5 năm (thậm chí là 10 năm); không được để tiêu cực trong ngành than, khi nào thiếu không thể khai thác được mới phải nhập khẩu…
Về nguồn thủy điện, Thủ tướng yêu cầu EVN cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ, báo cáo Chính phủ vấn đề điều tiết, dự trữ nước, phát huy tối đa công suất nguồn thủy điện, nhất là vào mùa khô, đồng thời bảo đảm xả nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước.
Về nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính hoàn thành các quy định về giá mua điện năng lượng tái tạo với hướng dẫn cụ thể, bảo đảm hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; chống mọi biểu hiện tiêu cực.
Cho ý kiến về vấn đề tải điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, tháo gỡ các nút thắt, khẩn trương khởi công xây dựng đường dây 500 kV mạch 3, thậm chí có thể xây dựng thêm đường dây để điều tiết phân phối điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.
Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh việc chuyển giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương; giải quyết dứt điểm những vướng mắc về pháp lý; nếu cần thì Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung. Các bộ, ngành liên quan phối hợp cùng Bộ Nội vụ giải quyết dứt điểm.
Về sử dụng điện, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu điều chỉnh giá điện phù hợp, căn cứ chi phí đầu tư, vận hành, phân phối và các chi phí khác, cũng như yếu tố trượt giá do lạm phát để tính toán. Đặc biệt, việc tính giá điện cần nghiên cứu có chính sách cho các đối tượng phù hợp với các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Về vấn đề mua bán điện áp mái, mua bán điện trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp, tham vấn các cơ quan của Quốc hội để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện hiệu quả trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết, việc cung ứng điện trong 10 tháng đầu năm 2023 về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, trong một số thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, kéo dài. Dự tính tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,6% so với kế hoạch.
Theo tính toán, để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Hệ thống điện đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong hầu hết các kịch bản. Tuy nhiên, ở kịch bản cực đoan, khi nhu cầu điện tăng cao và tình hình thủy văn cực đoan ở mức thấp, khu vực miền Bắc có thể thiếu hụt điện.
Các đại biểu đánh giá tình hình, khả năng cung ứng điện, nguyên nhân của tình trạng thiếu điện cục bộ một số thời điểm trong thời gian qua. Đặc biệt, lãnh đạo các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng thảo luận sâu các kịch bản; đề xuất các phương án nhằm đáp ứng đủ điện phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong đó, có giải pháp về vận hành cung - cầu điện; chuẩn bị đủ nguyên nhiên liệu cho các nhà máy điện hoạt động đảm bảo công suất; huy động tối đa các nguồn điện; đầu tư, xây dựng đưa vào khai thác một số công trình, dự án điện để tăng cung; có giải pháp, tuyên truyền tiết kiệm điện, nhất là vào các thời điểm cao điểm. Đặc biệt, đề xuất có cơ chế đặc thù, ưu tiên cho phát triển các nguồn điện ở khu vực phía Bắc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao giá điện tăng?

Nguồn: VTV24


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)