Đủ ngân sách để cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Google News

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến đảm bảo đủ ngân sách để thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1/7/2024.

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Thủ tướng, có các báo cáo về ngân sách nhà nước năm 2023 và đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia trước Quốc hội.
Du ngan sach de cai cach tien luong tu 1/7/2024
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Thủ tướng, có các báo cáo về ngân sách nhà nước năm 2023.
Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến hết năm 2022 nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và bố trí từ tăng thu ngân sách trung ương, ngân sách để cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng, nguồn tích lũy ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng.
Với dự kiến thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1/7/2024.
Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỉ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2024, trong đó có nguyên tắc để bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương.
Cùng với đó, dành nguồn lực để thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo; tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm…
Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội cho phép thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối NSĐP năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu /tháng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng bám sát nguyên tắc về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27; điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Nhất trí với tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, để đảm bảo triển khai chính sách dài hạn, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần đánh giá tổng thể về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực 2024-2026, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động trong bố trí nguồn lực. Đồng thời, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo. Đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5":
 (Nguồn: Truyền hình Quốc hội)

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)