Cảnh rơi nước mắt của gia đình nghèo trên mặt nước Thu Bồn

Google News

(Kiến Thức) - Nơi ngụ cư của gia đình đói khổ ấy là cái ghe nát chòng chành trên mặt nước Thu Bồn. Tai họa lại ập đến khiến họ đang phải đối mặt với phút sinh tử.

Tới thôn Xuân Hoà 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (Quảng Nam), nếu hỏi trong thôn gia đình nào khổ nhất, người được hỏi sẽ chỉ ngay tới bến đò sông Thu Bồn. Trên chiếc ghe đã nát đang bong ra từng mảng gỗ mục suốt 15 năm qua là nơi định cư của gia đình anh Nguyễn Văn Út (38 tuổi) và chị Lê Thị Điệp (38 tuổi) cùng bốn người con nheo nhóc.
 Bốn đứa con của chị Điệp cùng bà ngoại và một sư cô trên chiếc ghe 
"Đã đói, lại thêm cái tai nạn cùng cực"
Bố mẹ cả hai vốn nghèo, lấy nhau về một mảnh đất “cắm dùi” cũng không, họ đành dắt nhau lên chiếc ghe nát xuôi ngược dòng nước Thu Bồn như con vạc kiếm ăn qua ngày.
Tai họa ập đến khi trong một lần trên đường đi lấy thuốc về cho chồng, cả mái tóc của chị Điệp bị cuốn vào tua quay máy nổ gắn sau ghe. Toàn bộ tóc và da đầu bị giật phăng khỏi cơ thể để lộ ra hộp sọ hãi hùng nhuộm đỏ máu tươi.
Khi chúng tôi tìm đến, chị Điệp đang được phẫu thuật cấy ghép da lần hai tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Anh Út ngồi ngoài hành lang hiện rõ sự thống khổ của đời mình lên gương mặt hốc hác. Anh bảo: “Đưa vào phòng phẫu thuật từ sáng mà đến giờ là 15 giờ rồi vẫn chưa có thông tin gì. Ngồi ở đây chờ cả ngày, chạy vô chạy ra miết nên giờ tôi mệt quá...”.
Nói chưa dứt câu, anh Út dùng tay đấm lưng nhăn nhó, nặng nhọc thở gấp khiến ai chứng kiến dù bản tính lạnh lùng cũng phải sốt ruột, lắc đầu ái ngại vì nỗi đau tột cùng của gia đình ấy.
Anh Út với khuôn mặt thẫn thờ, xanh xao chăm sóc vợ ở bệnh viện Đà Nẵng.
Phải mất mấy phút ngôi nghỉ anh Út mới tiếp tục câu chuyện buồn của nhà mình: “Khổ lắm! Nhà đã nghèo, đã đói, lại thêm cái tai nạn cùng cực này. Làm lụng vất vả mười mấy năm nay chỉ mong cho được cơm đủ no với lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Sống trên chiếc ghe cũng mười mấy năm rồi, không có tiền mua đất lên bờ để mà đổi cái nghề xem có khá hơn được không. Mà tiền đâu có, tương lai thì ngày càng thê thảm thế này”. Rồi anh Út bật khóc như một đứa trẻ.
Một số người sống ở bệnh viện cho biết, anh Út chăm vợ hơn nửa tháng qua mà chưa thấy anh bỏ tiền mua cơm hay thứ gì có thể ăn uống được. Cả ngày anh chỉ đi xin một xuất cơm từ thiện ở bệnh viện để lót dạ. Thật ra, anh cũng không có tiền để mà mua cơm. Anh nói: “Ăn có đói nhưng mình vẫn không chết được”. Toàn bộ tiền để chị Điệp nhập viện là do anh đi vay mượn, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương cứu giúp.
“Hơn nửa tháng nay, phần chăm vợ, phần thì lo cho mấy đứa con ở nhà không biết ăn học ra sao. Vợ chồng bị thế này, mấy đứa nhỏ đem qua gửi nhà ngoại, có gì ăn nấy, nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Nói là nhà chứ cũng chỉ được hai tấm vách với mấy tấm tôn, ngoại nó cũng già rồi, cũng nghèo, cũng khổ lắm. Miễn là mấy đứa nó mạnh khỏe là tôi yên tâm rồi.
 Bố đưa mẹ đi chữa bệnh, bốn đứa con của gia đình anh Út tới ở cùng bà ngoại trong căn nhà nát tươm.
Cả nhà sống dưới ghe mười mấy năm, mưa gió trở trời thì lại đem mấy đứa vô nhà ngoại gửi, hai vợ chồng ôm nhau giữ ghe. Mưa gió nhiều, nên mấy đứa ở nhà ngoại nhiều chắc cũng quen. Nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ, người cho năm mười ngàn, người thì đem qua cho lon gạo nên cũng yên tâm phần nào”, anh Út lại sụt sịt…
Rồi chị Điệp cũng được đưa trở ra phòng hồi sức sau nhiều giờ phẫu thuật. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của chị hốc hác, xanh xao như đã mất hết sức sống.
Sáu phận người trên chiếc ghe nát
Thói đời vốn thường nghiệt ngã, đã nghèo, đã đói lại hay sinh ra cái tật lắm con. Bốn người con của anh Út, chị Điệp lần lượt chào đời trên con đò chòng chành ấy. Vậy là hằng ngày ăn, ngủ, mọi sinh hoạt của cả gia đình chỉ vẻn vẹn trong một không gian chưa đầy 2m2 trên chiếc ghe đã mục.
Cuộc đời họ, rồi đây con cái họ sẽ phải gắn liền với chiếc ghe rách bươm ấy như một định mệnh đã được cài đặt sẳn.
Trước lúc gặp nạn, chị Điệp ngày ngày đi thả lưới từ sáng sớm cho tới khuya, chắt chiu từng đồng cùng chồng duy trì cuộc sống. Anh Út thì gắn đời mình với nghề làm mướn. Hạnh phúc của anh là ngày nào cũng có người gọi đi làm. Hôm nào có việc là anh biết chắc hôm sau cả nhà được cơm no...
 Chị Điệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Số phận của họ đã gắn với chiếc ghe nát chòng chành trên mặt nước Thu Bồn nhưng cuộc đời nào để cho họ yên thân sống trong khổ hạnh. Anh Út luẩn quẩn làm thuê kiếm gạo bằng nhiều công việc nặng nhọc dẫn đến chấn thương cột sống. Đi lại, làm việc trở nên quá sức, gánh nặng gia đình đã đè lên vai chị Điệp. Giờ thì đôi vai chị Điệp không đủ sức để làm lụng kiếm tiền để duy trì cuộc sống của cả gia đình.
Rồi đây, không biết gia đình ấy sẽ sống ra sao khi cả vợ chồng đều đã lâm vào cảnh “đường cùng”? Bốn đứa con nheo nhóc liệu có khác đời cha mẹ nó khi trước mắt chúng hiện hữu một tương lai không có gì sáng sủa.
Mọi thông tin giúp đỡ xin gưi về anh Nguyễn Văn Út, thôn Xuân Hoà 1, xã Phước Ninh , huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Điện thoại: 01267090935.
Khắc Lịch - Văn Tiến

Bình luận(0)