Dư luận bàng hoàng với việc thầy giáo Nguyễn Minh Tiên (35 tuổi, ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), giáo viên dạy môn tiếng Anh - Trường THCS Tân Phú (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã mang axit, tạt thẳng vào 4 đồng nghiệp. Và để lý giải một thầy giáo hiền lành như Nguyễn Minh Tiên lại trở thành kẻ ác nhân, CAFE ĐẦU TUẦN của Kiến Thức bắt đầu bằng cuộc đối thoại với PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp - Nguyên Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học xã hội và Nhân văn TP HCM.
|
Thầy giáo hiền lành trở thành ác quỷ khi tạt axit vào 4 đồng nghiệp, vì sao lại thế? |
Thầy giáo cũng hóa... quỷ!
- Trong xã hội, ngày càng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến dùng axit gây thương tích cho người khác. Song, một thầy giáo nhiều năm tu dưỡng, giảng giải đạo đức cho học sinh như Nguyễn Minh Tiên lại có hành động tạt axit như côn đồ, máu lạnh khiến dư luận rất phẫn nộ. Là chuyên gia giáo dục làm việc trong ngành, PGS-TS nhìn nhận gì về vụ việc này?
Cách đây không lâu trên báo loan tin về cuộc hỗn chiến giữa thầy và trò trên bục giảng thì mấy ngày nay, lại rộ sự kiện làm nhức nhối toàn xã hội và ngành giáo dục khi giáo viên Nguyễn Minh Tiên, Trường THCS Tân Phú, tỉnh Đồng Tháp đã tạt axít, khiến bốn cán bộ Phòng Giáo dục và lãnh đạo nhà trường bị thương nặng, phải cấp cứu nằm viện... Điều này cho thấy đạo đức và kỷ cương ngành giáo dục đã đến mức báo động đỏ! Việc làm của thầy Tiến là vi phạm trắng trợn cả về pháp lý và đạo lý, là hành vi dã man không thể chấp nhận được ở một người có học, hơn nữa lại đảm nhận công việc trồng người và dạy người. Người như ông Tiến không đủ tư cánh để làm người, chứ chưa nói đến làm thầy.
- Thầy giáo Nguyễn Minh Tiên được đồng nghiệp đánh giá là hiền lành. Theo PGS-TS, vì sao lại hóa thành “quỷ dữ” như vậy?
Đằng sau sự kiện này ẩn chứa nhiều điều đáng nói về xã hội và ngành giáo dục hiện nay. Không phải bỗng nhiên một người thầy ít nói nhưng nóng tính, có người còn nói là hiền lành, không có mâu thuẫn với giáo viên nào trong trường lại đường đột có hành vi như quỷ dữ, côn đồ. Lý do là gì?
Báo chí phản ánh: năm 2013, Tiên có xích mích, mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc, dẫn đến có lời nói khiếm nhã với thầy Nguyễn Văn Chiến - Hiệu trưởng nhà trường (THCS Thanh Bình), để rồi chuyển công tác về Trường THCS Tân Phú. Vài tháng sau khi Tiên nhận quyết định, cô Dương Quế Anh (vợ Tiên) bị kỷ luật cách chức Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Mỹ, điều về làm giáo viên đứng lớp tại Trường mẫu giáo thị trấn Thanh Bình. Điều đó cho thấy, dồn dập gặp chuyện không may, ông Tiên xuất phát tâm lý bị đẩy vào bước đường cùng...
|
PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp. |
Nguyễn Văn Tiên bị đẩy vào bước đường cùng?
- PGS-TS có thể chia sẻ về áp lực từ môi trường giáo dục?
Nghề giáo viên hiện nay có thể nói là bị bạc đãi vì đồng lương quá thấp không đảm bảo cuộc sống. Hai vợ chồng làm giáo viên lại càng khổ, vì không có người có thu nhập cao hơn gánh vác kinh tế gia đình. Thêm nữa, vì thành tích cá nhân và của trường, giáo viên làm đủ thứ việc không tên, thậm chí nhiều việc không thuộc tránh nhiệm giáo viên. Khác với các nghề khác, giáo viên không thể đi muộn về sớm, bỏ việc trong ngày vì phải đứng lớp dưới sự giám sát của học sinh, phụ huynh và lãnh đạo nhà trường. Giáo viên không có thời gian làm thêm và có thu nhập thêm như các nghề khác, họa may một số giáo viên dạy thêm có thu nhập chút đỉnh. Phải nói rằng, nghề nhà giáo chịu áp lực rất lớn, không nên coi họ làm nghề nhàn hạ, không chịu nắng mưa.
- Nếu chỉ xét về góc độ tiền bạc, đồng lương thấp, thầy giáo Nguyễn Văn Tiên chưa thể bị đẩy vào bước đường cùng để có thể tạt axit đồng nghiệp, bất cần mạng sống của mình. Vậy, nguyên nhân sâu xa là gì?
Đúng vậy, đây là ý của tôi muốn nói đến. Sự kiện trên phản ánh một sự thật nhức nhối trong xã hội nước ta là mâu thuẫn giữa người dân với quan chức, trong ngành giáo dục là mâu thuẫn giữa giáo viên với quan chức giáo dục. Giáo viên bị kỷ luật là một tổn thương lớn, vì tư cách của họ bị học sinh và phụ huynh đánh giá thấp. Thêm nữa, trong một số trường hợp, sự chuyển trường gây thêm cho họ nhiều khó khăn không đáng có như một số giáo viên từng nói là "bị kỷ luật không văn bản". Rất nhiều trường hợp, giáo viên bị chuyển trường phải xa nhà, tốn kém thời gian và tiền bạc gia đình, gây xáo trộn cuộc sống của họ. Vì vậy, một nỗi lo canh cánh của giáo viên sợ nhất là bị chuyển trường, mà lý do theo quan chức giáo dục là rất minh bạch do những nhu cầu khác nhau.
Gia đình thầy giáo Tiên rơi vào hai trường hợp trên, cả vợ lẫn chồng trong một thời gian ngắn đều gặp chuyện. Sự kiện này tạo nên "cú sốc lớn" về tâm lý, tạo nên sự hoảng loạn, tâm thần bất định, dẫn đến hành vi dã man nói trên, mà nếu không đặt trong bối cảnh này thì ít ai lý giải được.
Giáo dục lại đạo đức cho quan chức giáo dục
- Nhớ lại vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Lan trường tiểu học Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) đã nhảy ao tự vẫn khi bị hiệu trường o ép và nghỉ hưu sớm. Nay thêm vụ việc Nguyễn Minh Tiên, ông đánh giá thế nào về một số quan chức giáo dục hiện nay?
Những vụ việc này cảnh báo đạo đức giáo dục đã xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ có giáo viên mà quan trọng hơn là những "người quản lý họ - những quan chức giáo dục". Họ cũng một thời làm thầy nhưng khi làm quan đã quên hết lương tâm và trách nhiệm, cũng ăn chặn, hành hạ giáo viên đủ cách để làm giàu trên lưng những giáo viên nghèo. Đã có mâu thuẫn thì phải có cách giải quyết mâu thuẫn, có những cách tốt làm giảm mâu thuẫn, nhưng cũng có cách tiêu cực như việc làm của thầy giáo Tiên.
- Để hạn chế vấn nạn của ngành giáo dục liên quan đến cách cư xử của đội ngũ giáo viên, theo PGS-TS cần những giải pháp gì?
Đã đến lúc đổi mới giáo dục phải thực sự là một cuộc cách mạng, trước hết phải "giáo dục lại đạo đức cho quan chức giáo dục" - giáo dục đạo đức cho người thầy trong công tác hành nghề của họ; phải chống tham nhũng và những thói hành dân của quan chức giáo dục thì mới khôi phục lại những giá trị truyền thống Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo.
Xin cảm ơn PGS - TS Nguyễn Văn Tiệp!