"Quy định chậm làm "sổ đỏ" cho dân có thể bị phạt 1 tỷ đồng sẽ khiến cán bộ bớt nghĩ ra những giấy tờ không cần thiết khi người dân đến làm sổ đỏ, nhưng sẽ tăng "hành" dân bằng những quy định về giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, không nên nghĩ đến tiền để giải quyết các giải pháp hành chính, vì nếu để khắc phục được điều này thì phạt đến 10 tỷ đồng vẫn còn ít", GS.TS Đặng Hùng Võ chia sẻ với phóng viên.
Lấy ngân sách cho vào ngân sách thì bằng không
- Chính phủ vừa ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở có thể bị phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Tôi thấy Chính phủ đang thể hiện sự quyết liệt trong việc thiết lập lại những quy định về cấp sổ đỏ cho dân. Nó thể hiện đã đến lúc phải mạnh tay khắc phục tham nhũng, cản trở, sự gây khó dễ của những người có quyền trong việc cấp sổ đỏ. Tôi tin là nhũng nhiễu sẽ giảm.
- Mức phạt đến 1 tỷ đồng như vậy, nhiều người cho là cao quá, còn ông nghĩ thế nào?
Thực trạng hiện nay, người dân muốn được cấp sổ đỏ phải gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua chất vấn của Quốc hội, rồi báo chí cũng thường nói về vấn đề này. Cấp sổ đỏ là hoạt động của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi về đất đai cho người dân. Đáng lẽ ta phải làm tốt việc đó, nhưng lâu nay ta để tồn tại những tiêu cực, bức xúc của người dân xảy ra ở khắp nơi, thì đưa mức phạt đó lên thật cao để xóa bỏ tiêu cực, đẩy mạnh tiến độ cấp sổ đỏ theo lộ trình đề ra là cũng phù hợp. 1 tỷ đồng chứ phạt đến 10 tỷ đồng thì tôi cũng cho là hợp lý.
- Phạt nhiều như vậy, người ta lo sẽ khó khả thi?
Phạt nhiều hay phạt ít thể hiện sự quyết tâm của người làm chính sách nào đó. Chúng ta đừng tính cái chuyện phạt chỉ là vấn đề kinh tế, nếu chỉ tính về kinh tế thì khó mà áp dụng được ở nhiều lĩnh vực khác.
- Tiền phạt đó sẽ được tính như thế nào, cá nhân phải bỏ tiền nộp phạt hay là lấy từ ngân sách ra để nộp vào ngân sách? Vì chỉ cơ quan nhà nước mới có thẩm quyền cấp sổ đỏ?
Phải quy trách nhiệm cá nhân chứ sao lại lấy tiền của cơ quan được. Thẩm quyền thuộc về cơ quan chức năng, nhưng trong các khâu đó thì phải có nhiều cá nhân tham gia, phải truy rõ chậm khâu nào, do ai? Ví dụ, chậm do UBND cấp phường, xã tiếp nhận hồ sơ nhưng để nằm tại chỗ đó thì là tại cấp phường xã. Tại cấp đó thì phải tìm ra là ai làm chậm, người cầm hồ sơ hay do ông lãnh đạo ở đó không làm tiếp. Nếu lấy ngân sách để đưa vào ngân sách thì bằng không.
|
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. |
Khó mà thu được tiền phạt
- Tôi cũng rất đồng tình với ông về quy trách nhiệm cá nhân như ông vừa nói, nhưng vấn đề này xem ra là rất khó?
Tất nhiên ở Việt Nam thì không dễ là bởi từ con người đến các khâu trong giải quyết công việc không rành mạch. Ai cũng nói chúng ta có nguyên tắc tự phê bình, nhưng tinh thần tự phê là rất kém. Tự mình không bao giờ nhận lỗi và chịu trách nhiệm về lỗi đó. Để xây dựng văn hóa quản lý lành mạnh thì phải có quá trình. Nên trong vấn đề này, có thể tính khả thi thấp, nhưng ít nhất nó cũng khiến người ta phải dè chừng. Nếu rơi vào tình huống đó sẽ bị cách chức, mất việc thì người ta cũng sợ.
- Nghĩa là người ta sẽ phải làm tốt hơn để không bị rơi vào "tầm ngắm" của quy định này?
Đúng rồi, người ta sẽ phải lo lắng liệu mình có để xảy ra chậm không.
- Vậy khả năng thu được tiền phạt, nhất là số tiền lên đến hàng tỉ đồng từ những người thực thi công vụ là rất thấp?
Đúng, thế nên tôi mới bảo đừng nhìn ở góc độ kinh tế. Dần dần, việc phạt bằng tiền trở thành hiện thực, tính răn đe trở thành hiện thực thì lúc đó mới là câu chuyện tiếp theo. Chứ không nộp phạt thì mất chức, mất việc thì họ cũng sợ chứ. Hoặc không nộp thì sẽ bị treo một khoản nợ ở đấy thì ai cũng sợ thôi.
- Nhưng lương của một công chức cấp huyện trong suốt cả năm cũng chưa đến 100 triệu đồng, thì tiền đâu mà nộp phạt?
Nếu đưa ra xử phạt như vậy thì tôi nghĩ không ai muốn rơi vào hoàn cảnh ấy cả, không ai muốn để ra chậm trễ cả. Vì không muốn nên họ sẽ tránh để mình bị phạt bằng cách không để mình là nguyên nhân trực tiếp làm chậm trễ việc cấp sổ đỏ cho người dân.
- Quy định phạt nặng như vậy, theo ông có khắc phục được những tiêu cực trong việc làm sổ đỏ hiện nay không?
Tất nhiên còn có những trường hợp như người ta lấy lý do chậm trễ không phải vì thái độ mà do trường hợp đó phức tạp quá. Nhưng trước đây có thể họ có 5.000 lý do gây khó dễ cho dân thì giờ có thể còn 1.000. Loại được chừng đó lý do thì cũng là đáng mừng lắm chứ. Lý do còn lại có thể là phức tạp, lịch sử không rõ ràng hoặc có những góc khuất nhất định, quan điểm người này xử lý thế này, quan điểm người khác xử lý khác... Người ta có thể dựa vào các lý do đó làm chậm lại quá trình cấp sổ đỏ mà không ai làm gì được cả.
- Nhiều khi người ta dựa vào đó để làm chậm trễ một cách chính đáng, thì cũng đâu làm gì được?
Thế thì tôi mới nói phải tiếp tục thanh tra kiểm tra, giám sát của người dân để đảm bảo cán bộ thực thi đúng.
Đòi giấy đăng ký kết hôn của người 80 tuổi
- Vậy khiếu nại tố cáo lĩnh vực đất đai liệu có giảm sau quy định này?
Nó sẽ giảm một phần vì khiếu nại về cấp sổ đỏ chỉ chiếm 15% trong tổng số khiếu nại về đất đai, còn lại là khiếu nại về thu hồi đất, hỗ trợ đền bù giải tỏa chiếm tới 70%. Ít nhất là dẹp được 10% trong khoảng 15% đó đã là tốt rồi.
- Có người lo lắng rằng khi cán bộ bị áp lực phạt thì sẽ lại có thêm nhiều "mánh" hơn để đối phó, người dân vẫn cứ chịu khổ?
Nhiều người dân phàn nàn bị cán bộ làm khó vì họ không biết rõ các quy trình thủ tục khi đi làm sổ đỏ. Vì thế, cán bộ thường đẩy nguyên nhân cho chính người đi làm thủ tục và lý do thì có rất nhiều, hồ sơ chưa hoàn chỉnh, hồ sơ không thể tiếp nhận vì còn thiếu, không đúng quy trình... Tôi được biết có những người đi đi lại lại đến nửa năm trời chỉ để nộp được hồ sơ.
- Bức xúc này có lẽ không chỉ của riêng ai?
Cán bộ hay đưa ra nhiều kiểu yêu cầu, thậm chí yêu cầu về giấy tờ mà pháp luật không yêu cầu. Có cụ đã 80 tuổi khi đi làm sổ đỏ còn bị cán bộ yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn thì mới làm được sổ đỏ có tên hai cụ. Người ta lấy nhau từ năm 18 - 19 tuổi mà đến tận bây giờ thì tìm đâu được giấy đăng ký kết hôn? Luật không quy định thế, bản thân người đi làm sổ đỏ cũng không biết yêu cầu đó có đúng không, chỉ biết cán bộ nói thế thì mình phải làm thế, không có thì không làm được. Có trường hợp họ yêu cầu phải nộp chứng nhận của phường là đã nộp hết tất cả các khoản phí, lệ phí, thuế thì mới làm sổ đỏ, pháp luật nào quy định thế?
- Khi phạt nặng thì hẳn là sẽ hạn chế tình trạng hạch sách này?
Nó sẽ hạn chế tình trạng "bịa" thêm giấy tờ, nhưng sẽ tăng lên tình trạng "cụ khai thế này là không đúng" "khai thiếu", "cụ viết như thế này thì không ai hiểu cái gì cả"... nghĩa là sẽ tăng lên những trường hợp hồ sơ viết lách không chuẩn xác.
- Liệu có cách nào để trợ giúp người dân một cách hiệu quả, dễ dàng nhất trong việc đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính mình?
Chúng ta cần có những trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí hoặc giá rẻ để giúp người dân từ khâu chuẩn bị hồ sơ, quy trình thủ tục và đó chính là người đối diện với chính quyền chứ không phải người dân. Trong những hoàn cảnh yếu thế như nhận thức kém thì người dân cần có trợ giúp xã hội. Hiện chúng ta đã có các tổ chức này nhưng chưa rộng khắp và chưa hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Khi chưa có một giải pháp triệt để thì hãy mở các điểm tiếp nhận ý kiến phản ánh giám sát của người dân. Chứ bây giờ dân bức xúc cán bộ làm chậm của mình thì không biết gửi ai cả, gửi đơn lên trung ương, trung ương đẩy về tỉnh, tỉnh đẩy về huyện thì rồi cuối cùng nó lại bằng không cả. Để thay đổi và hạn chế những tiêu cực này thì phải kết hợp rất nhiều giải pháp khác nhau.