Người tiêu dùng quyết định sức khoẻ nền kinh tế

Google News

(Kiến Thức) - Theo bà Nguyễn Thị Hiền: “Giá dầu thế giới xuống thấp được coi là lợi thế của nền kinh tế khi hàng loạt ngành hàng sản xuất trong nước được hưởng lợi...".

Giá dầu thế giới xuống thấp được coi là lợi thế của nền kinh tế khi hàng loạt ngành hàng sản xuất trong nước được hưởng lợi từ giá nhiên liệu rẻ. Lượng dầu thô xuất khẩu của chúng ta tương đương với nhóm các sản phẩm từ dầu phải nhập khẩu, nên không cần phải lo lắng giá dầu giảm ảnh hưởng đến nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền phân tích.
Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi
Giá dầu thô thế giới liên tục giảm thời gian gần đây khiến nhiều người lo lắng về ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Việt Nam. Là nước xuất khẩu dầu thô, giá dầu xuống thấp đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ hụt thu hàng nghìn tỷ đồng. Bà nhận định tình hình như thế nào?
Theo tôi thì ảnh hưởng sẽ không nhiều bởi từ trước đến nay, dù là nước xuất khẩu dầu thô lớn trong khu vực nhưng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của chúng ta cũng tương đương với con số đó. Hơn nữa, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh thì nhiều ngành hàng trong nước được hưởng lợi, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất yếu ớt, sức đề kháng kém như hiện nay thì việc giá xăng dầu thế giới giảm theo tôi là một động lực để vực dậy sức khỏe của nền kinh tế. Nếu giá dầu xuống thấp nữa thì ngành công nghiệp Việt Nam có lợi.
Con số hụt thu hàng nghìn tỉ đồng khi giá dầu giảm, theo phân tích của bà thì chúng ta sẽ bù lại bằng nguồn nào?
Theo tôi thì con số này không đáng lo lắng, khi nền sản xuất trong nước được thúc đẩy, đứng vững thì sẽ tăng thu cho nền kinh tế. Hơn nữa, hiện các sản phẩm từ dầu chúng ta phải nhập cũng rất lớn vì công nghệ trong nước chưa có để chế biến dầu thô thành các sản phẩm từ dầu. Trong cán cân đối sánh đó thì tôi nghĩ giá dầu giảm cũng không tạo ra khó khăn gì cho nền kinh tế.
Có ý kiến cho rằng phải tăng thu các ngành khác để bù giá dầu, bà đánh giá giải pháp này thế nào?
Nền kinh tế của chúng ta trải qua một thời kỳ rất khó khăn, sức khoẻ có những lúc rất yếu, thì nên xem biến động của tình hình kinh tế thế giới, giá dầu sụt giảm tụt dốc là cơ hội để phát triển. Nếu chúng ta tăng thu bằng cách tích cực thu từ các nguồn khác thì rất khó để đảm bảo sức khoẻ của nền kinh tế sẽ hồi phục mà việc tăng thu sẽ giống như khó khăn chồng chất khó khăn, làm cho các doanh nghiệp càng khó để phát triển.
 Bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Chính phủ.
Đừng thui chột triển vọng phát triển
Có chuyên gia kinh tế nói rằng nếu khai thác tài nguyên để bán, nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thì sẽ không thể bền vững, điều đó có đúng với nền kinh tế Việt Nam?
Đúng là nếu để kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thì cũng có nghĩa là nền kinh tế đó phụ thuộc vào tình hình giá cả thế giới. Mặt hàng đó xuống giá thì kéo theo cả nền kinh tế đi xuống. Nhưng ở Việt Nam, cán cân xuất – nhập đối với mặt hàng xăng dầu là cân bằng nên không tác động nhiều dù giá dầu thế giới lên cao hay xuống thấp.
Giải pháp khắc phục giảm thu từ xuất khẩu dầu bằng tăng thu trong nước, theo bà sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn nào?
Chắc chắn là nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Giá dầu giảm thì các ngành công nghiệp phát triển, rõ ràng là có chút lợi đối với doanh nghiệp. Nếu tăng thu thì hóa ra là chúng ta thui chột triển vọng phát triển của nền kinh tế. Tôi không phản đối tăng thu, nhưng tăng thu trong điều kiện nền kinh tế còn yếu ớt là không nên.
Tác động của giá xăng dầu lên giá cả các ngành hàng thực chất như thế nào, đóng vai trò gì?
Chắc chắn là có chứ, giá dầu giảm thì chi phí của tất cả các ngành khác phải giảm. Thế nên đánh giá tác động của giá dầu giảm đến nền kinh tế phải nhìn từ hai chiều, cái được và cái mất. Trung hòa hai cái này để tính toán lợi ích lớn nhất đối với nền kinh tế hơn là vì giá thế giới giảm, giảm thu xuất khẩu thì phải tăng thu trong nước.
Vậy là theo quan điểm của bà, không cần phải đề ra giải pháp đối phó vì về bản chất thì giá dầu giảm là cơ hội để phát triển?
Đúng thế, đó là cơ hội để nền kinh tế của nhiều quốc gia phát triển, không riêng gì  Việt Nam.
Quản lý còn có lỗ hổng
Mỗi khi giá xăng dầu có điều chỉnh tăng, ngay lập tức giá các mặt hàng khác cũng tăng theo. Nhưng sau hàng chục lần điều chỉnh giảm, giá xăng dầu đã ở mức thấp kỷ lục, rất nhiều mặt hàng không có điều chỉnh giảm, theo bà nguyên nhân do đâu?
Đầu tiên là do cầu vẫn cao và cung thì vẫn chỉ ở mức đáp ứng đủ cầu chứ không có sản phẩm thừa, nên dù không giảm giá, người dân phải phải mua, vẫn phải sử dụng sản phẩm hàng hóa dịch vụ đó. Quy luật cung cầu quyết định đến chính sách giá cả. Nếu bây giờ người tiêu dùng quay lưng với một loại mặt hàng nào đó vì họ không giảm giá, khi không bán được, tôi tin là nhà sản xuất sẽ buộc phải giảm giá bán. Còn ở góc độ quản lý, rõ ràng vai trò điều hành, kiểm soát giá cả không được làm nghiêm ngặt, còn quá nhiều lỗ hổng hoặc ở nơi này nơi khác còn có sự nể nang, buông lỏng.
Giữa quy luật cung cầu và vai trò của quản lý, cái nào quan trọng hơn? Vì có những mặt hàng rõ ràng dù giá đắt thế nào người dân cũng phải mua.
Nói thế thôi chứ quy luật cung cầu vẫn quyết định tất cả, vai trò quản lý chỉ là một phần nhỏ. Chính người tiêu dùng quyết định sức khoẻ của nền kinh tế, sức sống của doanh nghiệp.
Bà nhìn nhận về sức khoẻ nền kinh tế trong năm tới như thế nào?
Nếu theo đúng đà của năm 2014 thì nhiều khả năng năm 2015 kinh tế sẽ phát triển thuận lợi hơn, vì còn tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới. Nếu không có biến động lớn thì năm 2015, kinh tế Việt Nam sẽ có những bước tiến thuận lợi hơn năm 2014. Tất nhiên phải quản lý chặt hơn đối với nhóm ngành hàng chủ lực của nền kinh tế, ví dụ như những nhóm ngành hàng nào được lợi trực tiếp từ giảm giá xăng dầu thì bắt buộc phải giảm giá thành sản phẩm bán ra.
Dựa vào cơ sở nào để bà đưa ra nhận định như vậy?
Có nhiều yếu tố, năm 2014 là nền kinh tế đã có bước phục hồi, thì về mặt quy luật, năm 2015 nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi đó. Giá dầu có giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, nên khi nền kinh tế duy trì được thành quả đã tạo ra thì nó sẽ có thể có những bước phát triển vượt bậc với những thành tựu đáng để chúng ta hy vọng.
Xin cảm ơn bà và kính chúc bà một năm mới nhiều sức khoẻ!
Vừa mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Từ đầu năm, Chính phủ dự báo giá dầu là 100USD/thùng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội giao, nay giá dầu giảm 30USD/thùng và con số này có thể còn biến động. Mỗi 1USD giá dầu giảm thì Việt Nam mất 1.000 tỷ đồng, khi giá dầu mất trên dưới 20USD/thùng thì chúng ta mất khoảng 20.000 tỷ đồng. 
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)