Không tham nhũng thì là tội gì?

Google News

(Kiến Thức) - "... Nếu chỉ thu hồi tài sản và xử lý kiểm điểm thì không thỏa đáng", đó là quan điểm của LS Phan Xuân Xiểm về những sai phạm của ông Truyền.

"Ông Trần Văn Truyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nói dối cấp trên chưa có nhà để được cấp nhà, có nhà rồi vẫn cố tình xin nhà ở các nơi khác nhau, thế không gọi là tham nhũng thì là gì? Nếu chỉ thu hồi tài sản và xử lý kiểm điểm thì không thỏa đáng", đó là quan điểm của LS Phan Xuân Xiểm về vụ việc những sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Đơn tố cáo đã có từ lâu
- Ông có suy nghĩ gì về câu chuyện ông Trần Văn Truyền?
- Ngay từ lúc ông Truyền mới ra Hà Nội công tác đã có những đơn tố cáo về lối sống, đạo đức, không xứng đáng làm cán bộ lãnh đạo, gửi về Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Khi đó tôi còn đang làm, quá trình xác minh cũng được tiến hành nhưng rồi không hiểu sao không thấy phát hiện vấn đề gì. Nói thế để thấy những sai phạm của ông ấy không phải mãi đến gần lúc nghỉ hưu mới có mà có tính quá trình. Lợi dụng quyền hạn để có những đặc quyền đặc lợi cho bản thân, cho gia đình. Có nhà bảo chưa có, có đất bảo chưa, xây những dinh thự nguy nga hoành tráng, sống xa hoa gây ra sự phẫn nộ của người dân.
- Có thông tin như vậy mà để kéo dài mãi đến bây giờ mới điều tra, phải chăng công tác kiểm tra giám sát cán bộ có vấn đề?
- Rõ ràng ở nơi này nơi kia, công tác kiểm tra giám sát đang lỏng lẻo. Từ trường hợp này phải rút kinh nghiệm với các cán bộ khác.
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những sai phạm của ông Truyền, theo đó thì những tài sản do lợi dụng chức vụ mà có sẽ bị thu hồi. Nhiều luồng ý kiến khác nhau về hình thức xử lý ông Trần Văn Truyền. Có ý kiến cho rằng, nếu xác định tham nhũng thì phải xử tội tham nhũng, không phải chỉ thu hồi rồi kiểm điểm là xong. Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi cho rằng chắc chắn có hành vi tham nhũng. Với mức lương khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng thì không thể có chuyện tích cóp đủ để mỗi nơi có một căn nhà nguy nga hoành tráng như vậy được. Hơn nữa, có nhà rồi bảo chưa có, xin nhà công vụ theo chính sách ưu đãi cán bộ rồi cho thuê... không phải hành vi tham nhũng thì là gì? Không tham nhũng thì làm sao có những tài sản đó? Nên theo tôi, phải điều tra cụ thể, đưa ra kết luận rõ ràng để xử lý, tránh tình trạng nể nang, xử nhẹ, cho qua, làm mất lòng tin của dân vào cán bộ. 
- Nghĩa là theo ông, chỉ thu hồi tài sản là chưa đủ?
- Đúng thế, nếu kết luận có tội tham nhũng thì phải xử lý hình sự. Vấn đề là phải làm rõ tham nhũng như thế nào. Còn tôi khẳng định không tự nhiên cán bộ có tài sản nhiều như vậy được. Chỉ có thể là do tham nhũng, móc ngoặc thì mới có. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng phát biểu trong một cuộc hội thảo rằng, cỡ lương thứ trưởng thì phải 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp cơ mà. Thế nên nói ông Truyền không tham nhũng là vô lý.
LS Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 
Tội tham nhũng rõ như ban ngày
- Có ý kiến cho rằng, những vi phạm của ông Truyền không phải là tham nhũng mà chỉ là những vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất?
- Thế tôi xin hỏi, làm thế nào để ông ấy có những tài sản đó? Tại sao chỉ ông ấy được cấp mà những người khác thì không? Những hành vi như viết đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn để được xin thuê nhà theo Nghị định 61, rồi biết mình không đúng đối tượng được cấp đất nhưng vẫn nhận, ở nhà công vụ không trả dù chức vụ không còn giữ nữa... không phải là tham nhũng thì là gì? Có thể trong các văn bản quy phạm pháp luật không quy định rõ ràng, nhưng rõ ràng ở đây có thể thấy ông Truyền đã lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, sự buông lỏng kiểm tra của các cơ quan quản lý để trục lợi cho bản thân. Đó phải là tham nhũng chứ.
- Câu chuyện này cho thấy ông Trần Văn Truyền rất am hiểu các quy định của pháp luật?
- Đúng thế, ông ấy hiểu quá rõ chứ, ông ấy là người đi thanh tra, kiểm tra ở các cơ quan khác cơ mà. Nhưng dù có tinh vi thế nào thì theo tôi, tội tham nhũng đã rõ rành rành. Nói ông ấy không tham nhũng thì rõ ràng không thuyết phục và không ai tin. Những vụ việc trên cho thấy ông Trần Văn Truyền có động cơ tham nhũng, hành vi gian dối để có tài sản cho bản thân mình cũng có thể coi là tham nhũng rồi.
- Biết rõ thì dễ tránh bị"mắc tội"?
- Đúng thế. Người không hiểu biết pháp luật mà vi phạm luật thì còn coi là có tình tiết giảm nhẹ. Người càng hiểu biết pháp luật mà vi phạm thì càng phải xử lý nặng hơn.
Phải tìm ra nhiều "ông Truyền" khác
- Có đại biểu Quốc hội cho rằng, "còn nhiều ông Truyền khác", theo ông thì làm thế nào để tìm ra?
- Làm được, nhưng phải đẩy mạnh giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đơn tố cáo ông Truyền đã có từ năm 2006 nhưng vì không sâu sát nên mới để xảy ra chuyện này. Rõ ràng là đang có nhiều "ông Trần Văn Truyền" chưa bị lộ, nên những kẽ hở của pháp luật, của công tác quản lý cán bộ đảng viên phải được siết chặt qua giám sát, kiểm tra, kê khai tài sản để phát hiện và ngăn chặn. Trong câu chuyện này, nếu không có báo chí thì tôi tin là sẽ không thể phát hiện được hết những góc khuất trong câu chuyện của ông Trần Văn Truyền đâu. 
- Người làm công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, liệu có biết hết các chiêu thức tham nhũng tinh vi?
- Làm sao mà không biết cán bộ lương bao nhiêu, thu nhập thế nào? Tự nhiên có một khối tài sản lớn như thế thì phải làm rõ, trong kê khai tài sản cũng phải chỉ rõ chứ. Kiểm tra, giám sát kỹ là sẽ phát hiện ra thôi.
- Từ câu chuyện này, có ý kiến cho rằng có thêm một bài học về phòng chống tham nhũng là kiểm soát chặt những cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu để tránh tình trạng "hốt mẻ lưới, hạ cánh an toàn", ý kiến của ông thế nào?
- Tôi nghĩ sai phạm của ông Truyền có tính quá trình, phải rất lâu mới tích tụ được khối tài sản lớn như vậy, không phải gần đến lúc nghỉ hưu ông ấy mới sai. Thế nên phải kiểm tra, giám sát chặt cả quá trình công tác, nhất là ở những vị trí, lĩnh vực "nhạy cảm" chứ không riêng là người sắp về hưu hay mới được bổ nhiệm.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rất cụ thể, rõ ràng, giao cho cơ quan quản lý có thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc. Vụ việc về ông Trần Văn Truyền có liên quan đến một số vấn đề về cán bộ, trách nhiệm xử lý cán bộ khi có liên quan đến những vấn đề dư luận đang quan tâm. Trên cơ sở đó, khi xuất hiện bất cứ tình huống nào có liên quan đến cán bộ giống như trường hợp của ông Trần Văn Truyền, cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm quản lý sẽ làm những việc cần theo quy định. Sau khi thực hiện, nếu thấy có vi phạm vấn đề gì thì sẽ công khai giống như trường hợp của ông Truyền.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)