Bàn về các điều quy định trong luật là việc của các nhà chuyên môn. Tôi chỉ thấy áy náy ở chỗ lý do phải đưa ra đề xuất này, đó là trong vòng gần 10 năm nay có tới 8.500 vụ chống người thi hành công vụ. Và qua đó người ta đã chỉ ra nào là sự coi thường pháp luật của những người vi phạm, nào là lo sợ sự ảnh hưởng của nó tới an ninh trật tự, tính mạng... của người thi hành công vụ... Tại sao không chỉ ra một điều mà ai cũng nhận thấy đó là tình cảm, là mối quan hệ giữa người thi hành công vụ và người dân không còn được tốt đẹp như trước nữa.
|
Ảnh minh họa. |
Rõ nhất là với công an. Cái hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi với dân, được nhân dân yêu mến đâu rồi? Thay vào đó là nỗi sợ công an, sợ người có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Cứ nhìn chỗ nào có đông công an đứng là thấy bất ổn, thấy giật mình. Tôi có người bạn, đang đi xe dù chả phạm lỗi gì nhưng cứ nhìn thấy công an thì giật mình phanh gấp lại, đã ngã mấy lần rồi. Cái nỗi sợ chả giải thích nổi nên không thể chữa được. Cái nỗi sợ vô lý đến thế tại sao mà có và đã có ai nghiên cứu nó chưa?
Tại sao một cô gái khi bị giữ lại vì vi phạm luật giao thông lại dám xông vào hành hung, chửi bới người thi hành công vụ. Tại sao tay lái xe kia lại cố tình lao vào cảnh sát giao thông khi bị chặn lại... Đúng là họ đã vi phạm, đáng bị xử phạt, cái hành động của họ đáng phải xử lý nặng để răn đe... Nhưng điều gì dẫn họ tới việc làm quá khích đó? Nếu không thấy được vấn đề đó tức là chúng ta vẫn chỉ quen nhìn nhận một chiều.
Con số 8.500 vụ chống người thi hành công vụ là điều đau xót đáng phải suy nghĩ. Nhưng từ đó sao không đặt ra vấn đề người thi hành công vụ hãy nhìn lại mình đi. Mình đã chí công vô tư, hết lòng vì công việc, vì sự bình yên của nhân dân hay chưa?
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: