Xét xử ông Đinh La Thăng: Phiên tòa kỷ lục “3 cái nhất”!

Google News

(Kiến Thức) - Hiếm có phiên tòa nào từ lúc bắt giam tới khi khởi tố, kết án có tốc độ quá nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng như phiên xử ông Đăng La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái…”, “Tham ô tài sản”...

Vậy là sau nửa tháng, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã kết thúc vào sáng hôm qua với phần tuyên những bản án thích đáng, nghiêm khắc nhất dành cho các bị cáo có hành vi sai phạm gây hậu quả lớn cho Nhà nước, nhân dân.
Đây được xem là một trong những vụ án đặc biệt bởi có nhiều kỷ lục nhất.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng: Cực kỳ phức tạp và cực kỳ nhanh.
Tiến độ thời gian nhanh nhất
Điều dễ nhận thấy trong vụ án xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm so với đại án Phạm Công Danh – Trầm Bê hay đại án OceanBank – Hà Văn Thắm là thời gian. Có lẽ hiếm có vụ án nào có diễn biến từ lúc bắt giam tới ra tòa nhanh đến như vậy.
Ngược dòng thời gian, ngày 8/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ngay tối cùng ngày, cơ quan công an đã khám xét nhà ông Thăng.
Ông Thăng bị khởi tố vì liên quan đến 2 vụ án lớn gồm: PVN thiệt hại 800 tỷ trong việc góp vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan tới Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Đây đều là những vụ án cực kỳ phức tạp, tưởng như để có thể tiến hành phiên tòa xét xử sẽ cần một thời gian dài.
Thế nhưng, dư luận không khỏi bất ngờ là chỉ đúng 1 tháng sau ngày bắt tạm giam ông Thăng, phiên tòa xét xử đã được diễn ra vào 8h20 phút sáng ngày 8/1/2018. Quá nhanh, với một vụ án được đánh giá vào loại phức tạp, các bị cáo đều là những người nắm giữ chức vụ lớn trong cơ quan Nhà nước, các tập đoàn kinh tế hàng đầu.
Ngoài ra, tốc độ xét xử của vụ án này cũng nhanh “khủng khiếp” không kém. 14 ngày sau khi khai mạc phiên tòa, sáng 22/1/2018, vụ án đã khép lại với mức án 13 năm tù cho ông Đinh La Thăng, chung thân cho Trịnh Xuân Thanh và những bản án thích đáng dành cho 20 đồng phạm tại PVN và PVC.
Nhìn sang đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 cùng khai mạc một ngày với phiên xử ông Đinh La Thăng cho tới ngày hôm nay (22/1) mới tới phần VKS đề nghị mức án. Dự kiến, phải tới ngày 8/2 mới đưa ra được bản án.
“Không nói thì ai cũng biết vụ án này có nhiều kỷ lục về tiến độ thời gian từ khi ông Đinh La Thăng bị bắt cho đến khi xét xử tròn 1 tháng. Có nhiều người lo lắng không biết các luật sư sẽ chuẩn bị như thế nào để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình với điều kiện hạn hẹp thời gian như thế? Tuy vậy, cái gì cũng có hai mặt. Việc thúc đẩy tiến độ nhanh như vậy bên cạnh những khó khăn cũng tạo ra cơ hội vụ án được điều tra, truy tố và xét xử sớm, tránh việc kéo dài có thể phát sinh nhiều nỗi khổ cho thân chủ và gia đình của họ”, luật sư Phan Trung Hoài - một trong ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng chia sẻ trên Dân Việt.
 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được dẫn giải rời tòa. Nguồn ảnh: TTXVN
Nhiều đồng phạm nhất
Bên cạnh kỷ lục về thời gian, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng còn lập được một kỷ lục khác – nhiều đồng phạm nhất. Rất hiếm phiên tòa nào có tới 21 đồng phạm, và toàn là những quan chức cấp cao như phiên xử này. Cụ thể:
* 11 đồng phạm phạm tội cố ý làm trái:
- Bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên tổng giám đốc PVN lĩnh 9 năm tù
- Nguyễn Xuân Sơn - nguyên phó tổng giám đốc PVN: 9 năm tù
- Nguyễn Quốc Khánh - nguyên phó tổng giám đốc PVN: 9 năm tù
- Ninh Văn Quỳnh - nguyên kế toán trưởng PVN: 7 năm tù
- Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên phó tổng giám đốc PVC: 6 năm tù
- Nguyễn Ngọc Quý - nguyên phó chủ tịch HĐQT PVC: 6 năm tù
- Phạm Tiến Đạt - nguyên kế toán trưởng PVC: 4 năm 6 tháng tù
- Lê Đình Mậu - nguyên phó trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN: 4 năm 6 tháng tù
- Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc PVC: 17 tháng tù
- Trần Văn Nguyên - nguyên kế toán trưởng Ban quản lý dự án (QLDA) điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN: 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo
- Vũ Hồng Chương - nguyên trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2: 3 năm tù nhưng cho cả hai bị cáo hưởng án treo.
* 7 đồng phạm tội Tham ô tài sản
- Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC: 16 năm tù
- Bùi Mạnh Hiển - giám đốc PVC: 10 năm tù
- Lương Văn Hòa - nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 10 năm tù
- Nguyễn Thành Quỳnh - giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng: 8 năm tù
- Ba bị cáo Nguyễn Lý Hải - nguyên trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, Lê Xuân Khánh - trưởng phòng kinh tế - kế hoạch và Lê Thị Anh Hoa - giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa: 3 năm tù treo.
- Nguyễn Đức Hưng - nguyên trưởng phòng tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 3 năm tù treo.
* Hai đồng phạm phạm cả hai tội:
- Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung bị cáo Thanh phải chấp hành là tù chung thân.
- Vũ Đức Thuận nguyên Tổng Giám đốc PVC phạm hai tội cố ý làm trái (7 năm) và tham ô tài sản (15 năm), tổng hình phạt chung là 22 năm tù.
Nhiều kể lể, xin xỏ lấy tình cảm mọi người nhất
Một kỷ lục nữa đáng cho người ta còn nhớ lâu tới phiên tòa này là những “lời nói sau cùng” dài dòng và khó tin từ các bị cáo phạm trọng tội.
 Ông Đinh La Thăng buồn rười rượi trong ngày tuyên án. Nguồn ảnh: TTXVN
Cùng với giọt nước mắt lăn dài trên má trong giây phút hối hận vì hành vi sai phạm của mình, bị cáo Đinh La Thăng có những lời kể mùi mẫn về quá trình công tác có trách nhiệm của bị cáo suốt 35 năm qua như là "rất quyết liệt với công việc, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đối với bị cáo không có ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Thậm chí vợ bị cáo ngày lễ Tết thường hỏi ngày này anh làm ở công trường nào. Ngay cả thời điểm vợ sinh con bị cáo không có ở nhà".
Tất nhiên, ông Thăng không quên xin giảm án một cách khéo léo khi trình bày về hoàn cảnh của mình khi cho biết bố đẻ nhập viện cấp cứu, một trong hai người con gái phát triển không bình thường để mong HĐXX “thay đổi biện pháp ngăn chặn, để bị cáo được tại ngoại thăm bố và ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè và người thân sau đó bị cáo sẽ chấp hành án phạt tù”.
Và cũng “muốn làm sao chấp hành án trước khi chết được ra tù để chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì bị cáo muốn làm ma tự do chứ không phải ma tù”.
Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bên cạnh việc tiếp tục không nhận tội "cố ý làm trái... và tham ô tài sản" thì còn kể lể xin xỏ những điều khó ai chấp nhận được. Như việc xin được tại ngoại để… thăm vợ và 3 con đang ở Đức.
“Vợ và 3 con bị cáo đang ở Đức, vợ nuôi con bên đó không biết thế nào, có thể rất vất vả nên mong HĐXX sau khi kết thúc vụ án cho bị cáo được tại ngoại để thăm và gần vợ con, gia đình”, lời sau cùng của bị cáo Thanh.
Bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó TGĐ PVC thì đưa lý do “anh trai đã mất, là trụ cột trong nhà nhưng nay nhận mức án như vậy thì không còn cơ hội chăm sóc gia đình. Khi chịu án phạt về nhà không biết hai con bị cáo có còn nhận ra bố”.
Nhiều bị cáo trong vụ án này ngoài lời xin lỗi nhân dân, lãnh đạo thì còn quay sang xin lỗi nhau. Có lẽ cũng là hiếm có phiên tòa nào mà các đồng phạm lại xin lỗi nhau nhiều tới vậy.
Mặc dù các bị cáo đưa ra vô vàn lý do mong nhận được sự cảm thông, mong được giảm nhẹ tội nghe rất tình cảm, đau xót. Thế nhưng, cần phải nhớ rằng, chúng ta đang sống trong “xã hội thượng tôn pháp luật”, đúng khen nhưng sai thì phải nghiêm trị. Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, nếu ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm “ngộ” được hố đen tăm tối tù đày của hôm nay thì có lẽ phiên toà kỷ lục của “3 cái nhất” này sẽ không xảy ra... Thật tiếc cho những những người “vang danh một thuở”!!!
Hoàng Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)