Liên quan vụ việc 3 đối tượng Phạm Hữu An (SN 1990 trú tại số nhà 03, ngõ 46 Mật Sơn 3, phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa), Lê Văn Nhị (SN 1977) và Lê Trung Dũng (SN 1984) đều ở xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân đã có hành vi chửi bới và hành hung nhân viên đại diện của hãng hàng không VietJet Air tại Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa) và một đối tượng đã đánh tiếp vào mặt nhân viên kiểm soát an ninh, ngày 26/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân đã áp dụng biện pháp ngăn ngặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 đối tượng trên.
Trước đó, ngày 25/11, cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng trên về hành vi gây rối trật tự công cộng.
|
Hình ảnh ghi lại vụ việc. |
Theo Cục Hàng không Việt Nam nhận định, vụ việc các đối tượng côn đồ hành hung nhân viên kiểm soát an ninh hàng không và các nhân viên hàng không khác đang làm nhiệm vụ tại Cảng hàng không Thọ Xuân là vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân viên hàng không, trong đó có nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, uy hiếp đến an ninh hàng không tại Cảng hàng không Thọ Xuân.
Dư luận quan tâm, vì sao các đối tượng có hành vi đánh nữ nhân viên hàng không và nhân viên kiểm soát an ninh hàng không chỉ bị khởi tố hành vi gây rối trật tự công cộng?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý, việc cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng trên về hành vi gây rối trật tự công cộng là có cơ sở.
“Có thể xét thấy các đối tượng đánh nữ nhân viên hàng không và các nhân viên kiểm soát an ninh hàng không nhưng chưa gây thương tích lớn, chủ yếu là vào phần mềm nên cơ quan điều tra khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng. Trường hợp sau này nếu có căn cứ vào kết quả giám định thương tật mà có thể khởi tố bổ sung tội Cố ý gây thương tích”, Luật sư Thơm cho biết.
Mời độc giả xem clip hình ảnh ba đối tượng tham gia đánh nhân viên hàng không và nhân viên kiểm soát an ninh tại cảng Hàng không Thọ Xuân:
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, an ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất.
Do vậy, công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không là yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng không, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn liền với quốc phòng an ninh quốc gia.
“Hành vi gây rối trật tự khu vực Cảng hàng không đều uy hiếp an ninh hàng không. Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích, hậu quả gây có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của Nghị định số 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015”, Luật sư Thơm cho biết.
|
Ba đối tượng Phạm Hữu An, Lê Trung Dũng và Lê Văn Nhị tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa. |
Qua diễn biến sự việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, các đối tượng thấy đã dùng chân tay tấn công nhân viên của một hãng hàng không và nhân viên an ninh sân bay Thọ Xuân chỉ vì lý do yêu cầu được chụp ảnh chung với nữ nhân viên nhưng bị từ chối do đang làm việc. Hành vi của số đối tượng này chỉ dừng lại khi lực lượng kiểm soát an ninh hàng không Thọ Xuân có mặt, khống chế.
“Hành vi của các đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, côn đồ hung hãn, gây náo loạn sân bay, uy hiếp đến an ninh hàng không và gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự mới có tác dụng răn đe phòng ngừa tội phạm chung đang có xu hướng gia tăng tại các Cảng hàng không thời gian qua”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cho hay, tội gây rối trật tự công cộng trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng.
“Hành vi phạm tội của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 318 BLHS 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do vậy, cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng trên về hành vi gây rối trật tự công cộng.”, Luật sư Thơm nhận định.
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.