Cách nhau một cánh cửa bệnh viện, nhưng là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Vào bệnh viện thấy sao mà khổ, ai cũng khổ.
- Cách nhau một cánh cửa bệnh viện, nhưng là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Đang ở ngoài kia khoẻ mạnh, nói năng văng mạng, đi đứng ồn ào, ăn uống xô bồ, bừa bãi... Còn bước chân vào đây, đã thay bộ quần áo ngày thường ra, khoác bộ quần áo bệnh nhân vào là thành ra một người khác, yếu ớt, đau đớn, run rẩy như đứa trẻ mới sinh.
Vào bệnh viện thấy sao mà khổ, ai cũng khổ. Trăm nghìn thứ bệnh tật là trăm nghìn đau đớn. Nào mổ xẻ, cưa cắt, tiêm truyền, chọc, hút... người thì đeo tới 3 - 4 cái ống xông, thêm dây truyền dịch, máy thở... Đến những việc đơn giản nhất như nhấc cánh tay, đi lại, vệ sinh cá nhân... cũng không tự làm được. Khổ biết nhường nào!
|
Ảnh minh họa. |
Sợ nhất là vào Bệnh viện K, toàn bệnh nhân nặng, những nét mặt đờ đẫn vì đau đớn và lo âu, tóc rụng vì điều trị hoá chất, vì xạ trị, da xin xỉn màu chì... Thật kinh hoàng khi nghĩ một ngày nào đó lỡ mình phải vào đây.
Nghe ông thầy khí công nói về bệnh tật thật hay, con người ta khi để cho bệnh phát ra phải tới bệnh viện là đã khó mà chữa trị được rồi. Điều quan trọng là phải biết phòng bệnh, biết giữ gìn từ khi còn khoẻ mạnh.
Đằng này, lúc trẻ thì hoang phí sức khoẻ, không tiếc sức mình để làm việc, để kiếm tiền, thật nhiều tiền để mua cho được căn nhà, sắm cho được cái xe đẹp, ít ra thì bằng, không thì phải hơn người bên cạnh... Đến khi ốm đau nằm một chỗ, nhìn lại mới thấy tiếc những năm tháng đã không biết lo cho bản thân, không biết giữ sức khoẻ.
Đáng tiếc hơn là những trường hợp lúc trẻ thì sống trác táng như đua xe, nghiện hút, rượu chè, thức thâu đêm suốt sáng vì tiệc tùng, sàn nhảy, vũ trường... Chưa kịp già đã tàn tạ, bệnh tật.
Ngày nay, bệnh tật phần nhiều cũng là do ăn uống tuỳ tiện, ăn cho đẫy vào, thích gì ăn nấy, rượu, bia nhậu nhẹt liên miên, không nghĩ đến cơ thể phải hấp thu ra sao, đào thải thế nào. Lại vừa có người chết vì nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh. Đây đâu phải vụ đầu tiên, đã cảnh báo nhiều rồi nhưng người ta vẫn đâu có sợ, vẫn ăn, bất chấp nguy hiểm.
Giá như mỗi người thỉnh thoảng vào bệnh viện mà nhìn cảnh người ta ốm đau, bệnh tật đau đớn khổ sở đến thế nào, thì may ra còn biết sợ.