Trong 2 hôm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện “bảng báo giá” về việc khai thác hình ảnh của Bùi Tiến Dũng, trong đó có chụp ảnh, quay video, tham gia sự kiện,... với những con số đều được tính bằng nghìn đô. Điều này là hết sức bình thường trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam rõ ràng chưa có tiền lệ. Các cầu thủ chỉ vừa trở lại sau chiến tích lịch sử ở giải U23 châu Á, nhưng ngay lập tức đã rơi vào cuộc chiến khác hứa hẹn còn cam go hơn rất nhiều. Trong đó, chàng “thủ môn quốc dân” bị coi như một thứ tài sản không hơn không kém.
|
Tiến Dũng vừa trở về sau chiến tích ấn tượng ở giải U23 châu Á |
Trở về từ Thường Châu, Trung Quốc trong trận “tuyết chiến” đi vào lịch sử, Tiến Dũng được rất nhiều người quan tâm và mến mộ. Trang Facebook cá nhân của anh tăng lên gần 3 triệu người theo dõi chỉ sau ít ngày. Và mới nhất, cầu thủ sinh năm 1997 được cho là đã ký hợp đồng với một công ty truyền thông mới thành lập, với mục đích khai thác hình ảnh của mình. Việc này tồn tại độc lập mà không qua sự đồng ý của CLB, khiến FLC Thanh Hóa đã gửi đơn kiện ngược.
Việc cầu thủ có người đại diện là điều rất cần thiết và chuyên nghiệp, bởi trên thế giới đã làm như vậy từ lâu. Nhưng việc tạo ra điều kiện tốt nhất cho các cầu thủ có thể yên tâm thi đấu, mà vẫn nhận được mức thù lao và thu nhập xứng đáng được hưởng, khác hoàn toàn so với hành động nhảy vào “dựa hơi” các em để trục lợi cho riêng mình. Cũng bởi vì bóng đá Việt Nam chưa từng diễn ra tình trạng tương tự (đây là trường hợp đầu tiên), nên sự việc phải được thực hiện chính xác, nghiêm túc và cẩn trọng.
Trên thế giới, những người đại diện (hay còn gọi là siêu cò) như Mino Raiola hay Jorge Mendes đóng vai trò rất quan trọng với các thân chủ. Phần lớn các cầu thủ sinh ra trong nghèo khó, không được ăn học đàng hoàng và tất nhiên, không thể nắm được mọi điều luật. Người đại diện trong trường hợp này có trách nhiệm hướng dẫn cầu thủ, lập ra kế hoạch để các cầu thủ đi đúng hướng trên con đường sự nghiệp của mình. Nói cách khác, các “siêu cò” đảm bảo thân chủ của mình chỉ cần chuyên tâm vào việc đá bóng, mà vẫn hưởng được mức thu nhập tối đa nhờ những hoạt động bên ngoài sân cỏ.
Dù vậy, đơn vị sở hữu, đại diện cho cầu thủ bắt buộc phải hợp tác với các CLB – vốn là những người sử dụng sức lao động, hoặc các yếu tố chuyên môn. Đó phải là một mối quan hệ tay ba, tất cả đều có lợi và không được xung đột giữa những tranh chấp hình ảnh. Mới đây, Man United ký hợp đồng với Alexis Sanchez từ Arsenal, nhưng bạn không thể tìm được bất kỳ hình ảnh nào về buổi tập đầu tiên của cầu thủ này trong màu áo mới. Lý do: M.U được tài trợ bởi Adidas, trong khi Sanchez đi giày Nike. Và chỉ khi 2 bên đi đến một thỏa thuận, những hình ảnh của Alexis Sanchez tại trại tập huấn Carrington mới được khai thác.
|
Bùi Tiến Dũng bất ngờ vướng vào rắc rối về bản quyền hình ảnh |
Nói cách khác, đơn vị truyền thông này nếu muốn sử dụng hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng, bắt buộc phải thông qua đàm phán với CLB để ăn chia hoa hồng. Tuy nhiên, chúng ta đều biết điều này đã không xảy ra, bằng chứng là lá đơn kiện với dấu đỏ chót từ CLB FLC Thanh Hóa, đối với đơn vị truyền thông này. Cả 2 bên đều có những lý lẽ của cá nhân mình, khi CLB Thanh Hóa khẳng định họ nắm mọi quyền sở hữu Bùi Tiến Dũng. Ngược lại, phía đơn vị truyền thông cho rằng CLB không phải ôm tất cả.
Theo điều luật chính thức, một đơn vị (hoặc cá nhân) muốn đại diện cho cầu thủ bóng đá, buộc phải đăng ký với FIFA hoặc VFF bằng cách gửi đơn, cùng với chứng minh nguồn tài chính của mình (khoảng hơn 1 tỷ). Nhưng theo tiết lộ từ Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, ông vẫn chưa nhận được bất kỳ đơn đề nghị nào từ đơn vị truyền thông trên. Bởi vậy, đó chính xác là một động thái tận dụng cơ hội để khai thác ánh hào quang của các cầu thủ U23 Việt Nam, khi lợi dụng sự "ngây ngô" của Tiến Dũng.
Hơn thế nữa, cho dù áp dụng đúng các điều luật, nhưng hành động của công ty truyền thông này vướng phải một “luật ngầm” bất thành văn ở bóng đá Việt Nam, khi các CLB nắm quyền sở hữu đến các cầu thủ, đặc biệt là những người do chính CLB đào tạo. Lấy ví dụ đơn giản, một khi CLB và công ty truyền thông này nằm ở 2 bên chiến tuyến, Thanh Hóa hoàn toàn có thể “cầm tù” Bùi Tiến Dũng trên băng ghế dự bị và cho rằng đó là yêu cầu chiến thuật. Khi điều đó xảy ra, cả 3 bên đều chịu tổn hại, nhưng chính cầu thủ là những người trực tiếp phải lãnh điều đó.
|
Những bình luận trên Facebook đơn vị đại diện "tự phong" của Bùi Tiến Dũng |
Một tháng nữa là V-League bắt đầu khởi tranh, trong khi ASIAD đến tháng 8 mới bắt đầu. Điều này có nghĩa bất kể được xem như người hùng dân tộc đi chăng nữa, Bùi Tiến Dũng buộc phải ra sân ở CLB để duy trì phong độ, trước khi nghĩ đến việc đại diện cho ĐT Olympic tham gia ASIAD. Và nếu như cả 2 bên vẫn tranh chấp trong việc kiếm chác từ bản quyền hình ảnh của cầu thủ này, HLV Park Hang Seo có lẽ không thể triệu tập Tiến Dũng lên tuyển.
Không có gì sai khi một cầu thủ được quản lý bởi người đại diện, nhưng một khi rắc rối chưa thể giải quyết, chàng “thủ môn quốc dân” có thể rơi vào tình trạng ngồi dự bị cả mùa để mà “đếm like”. Bùi Tiến Dũng là một cầu thủ bóng đá, không phải diễn viên hay ca sĩ để “bất chấp” những nguy cơ đó. Em là người hùng của dân tộc, vì thế, xin đừng đối xử với em như một miếng bánh mà ai cũng muốn nếm phần.