Đi dọc Đại lộ Thăng Long qua địa phận khu Gò Bông (xã Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội), nhóm PV Báo Tri thức và Cuộc sống ngạc nhiên khi nhìn thấy ven đường xuất hiện dãy tường bao dài, cao xấp xỉ 2 mét, được xây dựng kiên cố, chính giữa là chiếc cổng to tướng đóng kín mít. Nhìn qua giống như một cơ ngơi tầm cỡ, và ước tính diện tích được tính bằng... ha.
“Trang viên bí ẩn” hay Dự án nuôi trồng thủy sản?
|
"Trang viên" bí ẩn ven Đại lộ Thăng Long thuộc khu Gò Bông, Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội |
Đóng vai người đi mua đất, lân la hỏi chuyện mấy người làm công ở đó, cuối cùng PV cũng lọt được vào "trang viên" này.
Khuôn viên này được bài trí cực kỳ trang nhã với con đường lát bê tông uốn lượn, cỏ cắt tỉa sạch sẽ, những cây to đã được trồng, bài trí theo một bố cục nhất định, xa xa là ngôi nhà trệt dựng lên theo kiểu mái Thái. Ngay 2 bên cổng vào, 2 hồ nước được thiết kế đối xứng, lát kè chắc chắn. Cạnh đó là 1 tấm pin năng lượng mặt trời to, có lẽ để cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống.
Hỏi xung quanh, không ai biết chủ nhân bí ẩn của khu đất này là ai, chỉ biết công trình này được xây dựng cách đây chưa lâu.
|
Bên trong "trang viên" được bố trí rất bài bản, trang nhã. |
Càng ngạc nhiên hơn khi biết khu đất này vốn là Dự án nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau. Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 154/QĐ-XPVPHC ngày 1/7/2021 do Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Trung Kiên ký, chủ nhân của khu đất đã tự ý chuyển đổi đất trồng câu lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn.
Trong buổi làm việc tại UBND xã Đồng Trúc, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch xã khẳng định với PV, khu đất đó không phải trang viên. Theo ông Kiên, đó “đơn giản” là một dự án nông nghiệp và người chủ làm không đúng theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt.
Nguồn gốc của khu đất “bị” sử dụng sai mục đích thế nào?
Theo những tài liệu mà Báo Tri thức và Cuộc sống có được, chủ trước của khu đất này là người địa phương tên Kiều Văn Chúc. Về sau, ông Kiều Văn Chúc đã sang nhượng bằng cách viết tay với người chủ mới là ông Nguyễn Đình Anh, trú tại Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội)
|
Quyết định 2165/QĐ-UB của UBND huyện Thạch Thất về việc phê duyệt dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đầu tư xây dựng trang trại, làm dịch vụ nông nghiệp... của hộ ông Kiều Văn Chúc. |
Ngày 8/12/2004, khu đất tại Gò Bông đã được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt Dự án Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đầu tư xây dựng trang trại, làm dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và trồng cây ăn quả, tại Quyết định số 2165/QĐ-UB do Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Hữu Nghĩa ký. Theo đó, thời gian thực hiện dự án từ năm 2004 đến 15/10/2013.
Sau năm 2013, nếu chủ dự án triển khai thực hiện dự án đúng nội dung được phê duyệt, có hiệu quả, chấp hành tốt mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước và phù hợp với quy hoạch, các văn bản pháp luật hiện hành; đảm bảo vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng tới sản xuất của khu vực lân cận thì được xem xét để cho phép tiếp tục thực hiện, không phải lập dự án.
Đến tháng 8/2016, ông Kiều Văn Chúc làm lại dự án và xin phê duyệt dự án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp từ đất trồng lúa trong vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau.
Ngày 30/12/2016, UBND huyện Thạch Thất ban hành Quyết định số 16360/QĐ-UBND do Phó chủ tịch Nguyễn Kim Loan ký, về việc phê duyệt dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp từ đất trồng lúa trong vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau” tại khu Gò Bông, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất cho hộ gia đình ông Kiều Văn Chúc.
Theo đó, dự án có tổng diện tích là 13.473,4m2 (có bản vẽ quy hoạch mặt bằng và thuyết minh dự án kèm theo). Quy hoạch sử dụng đất như sau: Diện tích công trình hỗ trợ sản xuất là 28m2; Diện tích công trình phục vụ sản xuất 850m2; Khu ươm mầm và trồng nấm sò trắng 1500m2; Ao nuôi trồng thủy sản 3.100m2; Diện tích trồng cây ăn quả 3.495,4m2; Diện tích trồng cây hàng năm khác 4.100m2; Diện tích sân, đường đi bộ 400m2.
|
Quyết định số 16360/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất phê duyệt dự án chuyển đổi. |
Các công trình hỗ trợ sản xuất và phục vụ sản xuất chỉ được xây dựng bằng vật liệu dễ tháo dỡ (nhà khung thép hoặc tre, gỗ; vách tường lắp ghép bằng tôn hoặc xây bằng gạch chỉ, gạch bavanh, xây tường 10, mái lợp tôn hoặc phibroximang), chiều cao các công trình xây dựng không quá 3,0 m tính từ mặt nền đến dạ quá giang.
Đất đào ao phục vụ việc đắp bờ, độ sâu ao thả cá không quá 1,5m so với cao trình mặt ruộng hiện tại. Không vận chuyển đất ra khỏi nơi thực hiện dự án và không vận chuyển đất từ nơi khác đến nơi thực hiện dự án. Hàng rào bảo vệ sản xuất phải đảm bảo độ thông thoáng, chiều cao tối đa của hàng rào so với mặt ruộng không quá 1,5m.
Cũng tại Quyết định số 16360/QĐ-UBND, UBND huyện Thạch Thất giao UBND xã Đồng Trúc đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án để chủ dự án thực hiện dự án theo đúng quyết định được phê duyệt.
Tuy nhiên, dù huyện Thạch Thất đã giao cho xã Đồng Trúc giám sát chặt chẽ như vậy, không hiểu vì lý do gì mà “trang viên” này vẫn mọc lên một cách bí ẩn. Cho tới hiện tại, có lẽ nếu không xảy ra sự cố gì, thì một thời gian ngắn nữa công trình này sẽ được hoàn thiện và đi vào sử dụng.
Những vi phạm quá lộ liễu này đã và đang được xử lý như thế nào? Chúng tôi sẽ chuyển tải đến quý vị độc giả ở bài viết sau.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin...