Techcombank gián đoạn giao dịch Internet: GĐ Phùng Quang Hưng và văn hóa xin lỗi!

Google News

(Kiến Thức) - Từ việc Giám đốc điều hành Techcombank Phùng Quang Hưng đã lên tiếng xin lỗi khách hàng về sự cố lỗi giao dịch điện tử nhiều ý kiến cho rằng đến lúc cần xây dựng văn hóa nhận lỗi, xin lỗi.

Ngày 5/5, sau một ngày liên tục xảy ra sự cố về lỗi giao dịch điện tử, Giám đốc điều hành Techcombank Phùng Quang Hưng đã lên tiếng xin lỗi khách hàng.
“Chúng tôi chân thành xin lỗi khách hàng về sự bất tiện khi phải chờ đợi được phục vụ, cũng như sự gián đoạn dịch vụ trên kênh ngân hàng điện tử trong những ngày này”, Giám đốc Phùng Quang Hưng đại diện Techcombank gửi lời xin lỗi và cho biết, xin cầu thị ghi nhận mọi lời phàn nàn, mọi ý kiến góp ý của khách hàng để tiếp tục cải thiện và nâng cấp chất lượng phục vụ.
Cùng với lời xin lỗi, Techcombank cho biết, đang nỗ lực khắc phục nhằm sớm vận hành hoàn toàn dịch vụ ngân hàng điện tử trở lại phục vụ khách hàng và miễn phí mọi giao dịch tiền mặt, chuyển khoản tại các quầy trong thời gian này.
Techcombank gian doan giao dich Internet: GD Phung Quang Hung va van hoa xin loi!
Giám đốc Điều hành Techcombank: “Chúng tôi xin lỗi về sự gián đoạn dịch vụ ngân hàng điện tử sau nâng cấp”.
Gây phiền hà, bất tiện cho khách hàng do sự cố nâng cấp hệ thống lên phiên bản mới dù nguyên nhân là do lượng khách hàng truy cập tăng cao cùng số lượng giao dịch tăng đột biến gấp 4 lần so với ngày thường tuy nhiên lời xin lỗi kịp thời của Giám đốc điều hành Techcombank là cần thiết. Đồng thời cho thấy, một điểm sáng thể hiện tầm văn hóa và đạo đức kinh doanh của lãnh đạo và Techcombank.
Lời xin lỗi trên của Giám đốc điều hành Techcombank được dư luận đánh giá là tự tâm, chân thành và thể hiện sự nhận thức tích cực của doanh nghiệp trong việc lấy niềm tin của khách hàng và mang lại hi vọng văn hóa xin lỗi sẽ trở thành một nét văn hóa ứng xử dài lâu, tạo ra sự thay đổi khi thực tế tồn tại bao năm qua về việc “người Việt ngại nói lời xin lỗi”.
Từ hành động trên, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh dàn lãnh đạo một công ty Nhật Bản gửi lời xin lỗi khách hàng qua truyền hình sau khi một nhân viên bị phát hiện nghỉ ba phút trong giờ làm việc, một Công ty đường sắt tây Nhật Bản xin lỗi về việc một chuyến tàu ở miền trung nước này đã khởi hành sớm hơn 25 giây so với kế hoạch. Cách đây 5 năm khi xảy ra vụ sập giàn giáo Vũng Ánh, đại diện nhà thầu từ Hàn Quốc đã cúi đầu xin lỗi các nạn nhân và nhân dân Việt Nam.
Vài ví dụ nhỏ cho thấy, ở các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, văn hóa xin lỗi rất phổ biến ngay cả khi xảy ra những sự cố nhỏ, không chỉ doanh nghiệp đến quan chức và người dân đều biết cúi đầu xin lỗi khi mắc lỗi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng đạo đức nhưng rất hiếm hoi chúng ta mới được nghe một lời xin lỗi từ những người có trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Ngay như khi xảy ra sự cố cháy nhà máy Rạng Đông khiến phát tán chất độc thủy ngân ra ngoài môi trường, phải đến 10 ngày sau, lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông mới gửi thư xin lỗi. Ngay như sự cố ô nhiễm dầu thải nước sạch sông Đà, lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã từ chối thay mặt công ty này gửi lời xin lỗi đến người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố tại một cuộc họp báo diễn ra tại tỉnh Hòa Bình vào chiều 17/10/2019.
Không chỉ các doanh nghiệp, văn hóa xin lỗi cũng ít khi xuất hiện từ các quan chức khi xảy ra sự cố. Điển hình mới đây, vụ việc nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại CDC Hà Nội hay nhiều tỉnh thành mua giá máy xét nghiệm cao bất thường, thay vì xin lỗi, nhận trách nhiệm, người ta tìm cách trốn tránh như vội vàng thương lượng giảm giá hay biện minh “đi mượn”.
Ngay trong vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 gây bất bình bức xúc dư luận cả nước, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ nhưng tuyệt nhiên không có lời xin lỗi nào gửi đến nhân dân, lãnh đạo các tỉnh xảy ra gian lận cũng không ai đứng lên xin lỗi các học sinh và phụ huynh.
Hay như mới đây, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản có quy định cấm du khách chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về COVID-19 tại cơ sở du lịch nhưng sau đó vội vàng ban hành một quyết định khác mà không có một lời xin lỗi nào được đưa ra. Đến ngay sự tranh luận công khai minh bạch cũng suýt bị ngăn chặn bởi các quy định trái luật như vậy thì nói gì đến nhận trách nhiệm, huống chi là lời xin lỗi.
Tại nhiều địa phương đơn vị, bộ ngành khi xảy ra sự cố thay vì nói lời xin lỗi họ luôn tìm cách để biện minh trốn tránh, đó cũng là nguyên nhân của sự xuất hiện những cụm từ “đường cong mềm mại”, “lỗi đánh máy”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”, “gạt tay trúng má”, “tự đập mặt vào dùi cui”… cấp trên đổ cho cấp dưới, cấp dưới đổ cho khách quan.
Nguyên nhân dẫn đến việc không xin lỗi dù sự cố lớn hay nhỏ xuất phát từ việc trốn tránh trách nhiệm, bệnh thành tích cá nhân. Họa huần lắm mới thấy các cựu quan chức, doanh nhân xin lỗi khi họ đứng trước…vành móng ngựa.
Thực tế trên cho thấy, dù bao sự cố từ nhỏ đến lớn xảy ra, ít ai có trách nhiệm nói lời xin lỗi vì những sai sót do bản thân, do đơn vị dù họ là những người hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế của dân, thậm chí tìm cách đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm. Những hành động như vậy đã làm giảm sút niềm tin trong nhân dân vào một bộ phận cán bộ hiện nay.
Thậm chí đối với nhiều người dân, vốn không có quyền lực hay trách nhiệm cũng ít khi nói lời xin lỗi dù mắc sai lầm. Ra đường va chạm giao thông, khó có thể xuất hiện lời xin lỗi, dù sai phạm người ta cũng cố cãi bằng được dẫn đến đánh chửi nhau gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Thực tế người biết xin lỗi và nhận trách nhiệm là người biết nhìn nhận và thay đổi sẽ không bao giờ mắc lại những sai lầm nhưng người biết sai mà không nhận lỗi, không thấy trách nhiệm của bản thân thì sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ. Cuộc sống không ai có thể đúng hoàn toàn, không bao giờ mắc sai lầm, không có một chính sách nào có thể hoàn hảo khi áp dụng vào thực tế nhưng khi xảy ra sự cố, biết nhìn nhận để sửa đổi thì đó mới là văn hóa xin lỗi. Đồng thời, có lỗi mà biết xin lỗi mới thể hiện được là con người có học thức, có đạo đức và có văn hóa mà con người dù ở bất kỳ cương vị nào, văn hóa, đạo đức luôn là thứ cần phải giữ gìn.
Từ việc Giám đốc điều hành Techcombank xin lỗi khách hàng khi xảy ra sự cố, dư luận cho rằng đã đến lúc ở nước ta cần thiết phải xây dựng văn hóa nhận lỗi, xin lỗi, đặc biệt là với cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Bởi chỉ khi cán bộ biết nhận lỗi thì mới hạn chế được những sai sót, mới lấy được niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp biết nhận lỗi mới lấy được niềm tin của khách hàng và con người biết nhận lỗi mới là một con người có đầy đủ văn hóa và đạo đức.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cán bộ “câu giờ” phải viết thư xin lỗi dân

Nguồn: VTC 14.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)