Sự cố nứt vỡ đê Hữu Hồng: 6 tháng… chưa được khắc phục

Google News

Có mặt tại hiện trường sau 6 tháng từ khi sự cố đáng tiếc này xảy ra, PV Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận phía chân đê dù đã được gia cố lại bằng đá kèm lưới thép, nhưng phía bờ mặt đê chỉ được trát nhựa đường sơ sài, xuất hiện nhiều vết thủng lỗ chỗ, mưa là nước ngấm hẳn vào thân đê.

Địa điểm và tuyến đê này, được đánh giá là cực kỳ trọng yếu, lại chưa từng được thử thách trước lũ lớn. Trong trường hợp không may gặp sự cố tại vị trí trên, tuyến đê bao phía trong rất khó trụ vững. Thủ đô khi đó có thể đứng trước nguy cơ khôn lường.
Sự cố nứt đê nghiêm trọng gây xôn xao dư luận
Tháng 4/2021, đê Hữu Hồng, đoạn qua địa phận xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) tại K46+160, bắt đầu có hiện tượng nứt vỡ, vết nứt loang nhanh và ngày càng nghiêm trọng hơn. Cho đến đầu tháng 5, vết nứt kéo dài đến 25m, sụt lún chênh lệch có đoạn lên đến 10-15cm.
Địa điểm xảy ra sự cố này, nằm sát ngay công trình của Nhà máy nước mặt sông Hồng đang thi công.
Đáng nói, tại khu vực xảy ra lún, nứt cũng mới được Bộ NN&PTNT giao cho Ban QLDA Thủy lợi 1 hoàn thiện dự án “Nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980”. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.
Su co nut vo de Huu Hong: 6 thang… chua duoc khac phuc
 Sự cố vỡ đê Hữu Hồng được đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng, ảnh chụp tháng 5/2021    Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó giám đốc Ban QLDA Thủy lợi 1 cho biết, dự án nâng cấp đê, kè hữu Hồng qua huyện Đan Phượng được Ban triển khai từ năm 2019, hoàn thiện vào tháng 5/2020. Đến nay, dự án vẫn còn trong hạn bảo hành.
Nguyên nhân nhanh chóng được khẳng định: Sự cố nứt đê tại vị trí K46 + 160 đê hữu Hồng là do việc đào hố móng của trạm bơm Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra.
Trong văn bản số 182/BQL-DA1.3 ngày 14/5/2021 của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 1 (Ban 1) gửi Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội cũng nêu rõ: Từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng triển khai thi công bể chứa nước tại khu vực cạnh trạm bơm Đan Hoài. Nhà thầu thi công bể nước đã đào toàn bộ phần đất tiếp giáp với hành lang thượng lưu để thi công công tác cọc cừ, chiều sâu chênh lệch mặt đê, đường hành lang so với cao trình đáy hố móng bể chứa nước khoảng từ 20m-22m. Việc thi công đã tạo ra các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc đường hành lang thượng lưu với chiều dài từ 15-20m và gãy dọc mặt đê với chiều dài từ 20-25m tại khu vực thi công.
Trong các ngày 29/4 và 30/4/2021, nhà thầu thi công bể chứa nước có xử lý các khe nứt gãy bằng trát vữa xi măng, nhựa đường tuy nhiên các khe nứt gãy ngày càng mở rộng gây mất an toàn công trình và an toàn giao thông (có các hình ảnh kèm theo).
Su co nut vo de Huu Hong: 6 thang… chua duoc khac phuc-Hinh-2
 Văn bản số 182/BQL-DA1.3 ngày 14/5/2021 của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 1
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Thành phố Hà Nội, yêu cầu thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tổ chức cắm biển cảnh báo sự cố, phân luồng giao thông, không cho người, phương tiện đi vào khu vực sự cố để đảm bảo an toàn.
Đồng thời khẩn trương đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, đồng thời huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý, không để sự cố phát triển thêm; Tăng cường giám sát, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi diễn biến sự cố, kịp thời xử lý ngay các tình huống bất lợi, ảnh hưởng đến an toàn đê; tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá tác động của quá trình thi công xây dựng công trình đến an toàn đê điều, đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, lập phương án xử lý dứt điểm sự cố, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê; Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm.
Dù đã cảnh báo, vẫn “cố” làm bằng được
Đánh giá sự cố là hết sức nghiêm trọng, ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho hay, đây là vị trí rất nhạy cảm, đơn vị đã cân nhắc nhiều trước khi quyết định cấp phép. Tuy nhiên, sự cố xảy ra là không mong muốn. Ông Phạm Đức Luận cho biết, sau khi khắc phục tạm thời sự cố, các đơn vị cần cân nhắc, xem xét lại phương án xây dựng nhà máy tại khu vực…
Lật lại hồ sơ toàn bộ sự việc này, chúng tôi giật mình khi những sự cố có thể xảy ra đối với đoạn đê xung yếu thuộc địa phận xã Liên Hà đã được Tổng cục Thủy lợi cảnh báo từ năm 2016. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND tp Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội vẫn “cố bằng được” để cấp phép thi công cho dự án nhà máy nước mặt sông Hồng, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc trên.
Su co nut vo de Huu Hong: 6 thang… chua duoc khac phuc-Hinh-3
 Hiện trường nơi xảy ra sự cố nứt vỡ đê Hữu Hồng, ảnh chụp 9/2021
Cụ thể, trong văn bản số 442/TCTL-ĐĐ ngày 1/4/2016 gửi UBND Thành phố Hà Nội, văn bản này đã đề cập.
Bộ NN&PTNT nhận được công văn số 521/UBND-NNNT ngày 29/1/2016 về việc đề nghị thỏa thuận vị trí, phương án xây dựng các hạng mục công trình liên quan đến đê điều, thuộc dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, kèm theo công văn số 69/SBB-ĐĐ ngày 14/1/2016 của Sở NN&PTNT Hà Nội. Tổng cục Thủy lợi có ý kiến.
Vị trí dự kiến xây dựng công trình thu, trạm bơm nước thô nằm ở khu vực bãi sông hẹp, đê sát sông (đã phải đầu tư xây dựng kè bảo vệ phía ngoài) liên quan trực tiếp đến tuyến đê cấp I bảo vệ thủ đô Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, nếu công trình có nguy cơ mất an toàn thì cũng là nguy cơ mất an toàn của tuyến đê. Vì vậy, đề nghị UBND tp Hà Nội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp ( nơi có bãi sông rộng, cách xa đê) để đảm bảo an toàn đê điều.
Trong trường hợp phải xây dựng công trình tại vị trí trên, đề nghị UBND tp Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu giải pháp công trình phù hợp, đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão…(trích dẫn).
Thế nhưng đến tháng 1/2021, Hà Nội quyết định cấp phép thi công Công trình thu - trạm bơm nước thô tại vị trí trên dẫn đế nứt dọc mặt đê, đe dọa an toàn đến cả tuyến đê sông Hồng.
Theo thông tin trên báo chí, Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo là đơn vị tư vấn thiết kế cho công trình thu, trạm bơm nước thô thuộc dự án nhà máy nước mặt sông Hồng đã đưa ra cảnh báo việc lựa chọn vị trí. Nó không phải là sạt trượt mà nó sẽ không thuận cho lấy nước do đây là bãi bồi bên ngoài nên việc ổn định nguồn nước lấy vào bên trong sẽ không tốt. Thế nhưng trước đó Hà Nội đã cấp phép cho công trình, do đó mọi việc như “ván đã đóng thuyền”.
Su co nut vo de Huu Hong: 6 thang… chua duoc khac phuc-Hinh-4
 Chân đê đã được gia cố, ảnh chụp 9/2021

Trong các văn bản liên quan từ năm 2018 đến cuối năm 2020, dù có thống nhất với UBND TP Hà Nội về vị trí xây dựng công trình trạm thu nước thô tại bãi sông Hồng (tương ứng K46+130 – K46+280 đê hữu Hồng) trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng đều đề nghị Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan liên quan rà soát, tính toán, lựa chọn giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn đê điều và công trình, không gây xói lở bờ sông và cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thủy lợi lân cận…
Sau khi sự cố xảy ra, mặc dù mùa mưa bão đã đến, nhưng các đơn vị chịu trách nhiệm mới chỉ có biện pháp gia cố tạm thời, nguy cơ mất an toàn phòng chống lũ hiển hiện ngay trước mắt.
Có mặt tại hiện trường sau 6 tháng từ khi sự cố đáng tiếc này xảy ra, PV Tri thức và Cuộc sống ghi nhận phía chân đê dù đã được gia cố lại bằng đá kèm lưới thép, nhưng phía bờ mặt đê chỉ được trát nhựa đường sơ sài, xuất hiện nhiều vết thủng lỗ chỗ, mưa là nước ngấm hẳn vào thân đê.
Một mặt khác, dọc tuyến đường (2 lần đi khảo sát vào ngày 9/9 và ngày 13/9/2021), PV không hề nhìn thấy bóng dáng của lực lượng chức năng cũng như các chốt canh gác được lập ra theo sự chỉ đạo của huyện Đan Phượng nhằm hạn chế xe qua lại, chỉ duy nhất có chiếc biển báo đề dòng chữ: Công trình đang thi công.
Trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Hoa Cương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP nước mặt Sông Hồng, ông Cương khẳng định sự cố đã được khắc phục xong. Tuy nhiên khi PV gửi những hình ảnh mới chụp qua zalo, ông Cương tiếp nhận thông tin và bảo sẽ cho kiểm tra lại cụ thể.
Còn tiếp…
Hải Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)