Kè Phương Độ bị “băm nát”
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về thực hiện việc xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng như Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thành phố luôn coi công tác quản lý, bảo vệ đê điều, quản lý sử dụng lòng sông, bãi sông là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, những năm qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều tuyến đê điều xung yếu thường xuyên được thành phố đầu tư duy tu, sửa chữa để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.
Tuy nhiên, các tuyến đê kè luôn bị xâm hại nghiêm trọng, không được địa phương xử lý dứt điểm, thậm chí còn làm ngơ cho vi phạm, điển hình như kè Phương Độ, tương ứng với vị trí Km33+500 đê Hữu Hồng thuộc địa bàn xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội).
|
Bờ kè Phương Độ, tương ứng với vị trí Km33+500 đê Hữu Hồng bị đào xới, san lấp nham nhở. |
Cụ thể, theo phản ánh của người dân từ đầu tháng 1/2021, xuất hiện nhiều máy xúc, xe tải được huy động rầm rộ đến đào xới, đổ đất đá san lấp trái phép bờ kè Phương Độ, tiềm ẩn nguy cơ xói mòn khu đất bãi, đe dọa nghiêm trọng hành lang đê điều nhưng không thấy cơ quan chức năng sở tại xử lý dứt điểm?
“Kè Phương Độ nằm ở đoạn sông cong, dòng chảy diễn biến phức tạp, ngoài việc thường xuyên gây xói lở ảnh hưởng kè đá, nước sông còn liên tục ăn sâu vào khu đất bãi. Nếu tình trạng san lấp kè không chấm dứt, mùa mưa lũ chắc chắn khu vực này sẽ bị nước sông gây xói mòn gây sạt lở mạnh”, anh Đ.V.T (người dân) bày tỏ sự lo lắng với PV.
Tại khu vực người dân phản ánh, ghi nhận của PV ngày giữa tháng 1/2021 cho thấy, nhiều vết tích đào xới tác động lên bờ kè Phương Độ vẫn còn nham nhở. Cùng với đó là nhiều m3 đất đá đổ lấp, lấn dần ra lòng sông Hồng. Hoạt động “băm nát” bờ kè Phương Độ đang dần tạo nên một đoạn đường dài hơn 200m, rộng khoảng 9m, mà theo người dân đoạn đường trái phép này nhằm mục đích vận chuyển cát.
|
Đoạn đường dài hơn 200m, rộng khoảng 9m được hình thành từ việc đào xới, san lấp trái phép khu vực kè Phương Độ. |
Theo tìm hiểu của PV, ông Đoàn Văn Cường (trú tại phường Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội) là người tổ chức “băm nát” bờ kè Phương Độ. Hành vi vi phạm luật đê điều của ông Cường đã bị Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ phối hợp với UBND xã Sen Phương lập biên bản vào ngày 12/1/2021.
|
Nhiều trụ cột bê tông với khối lượng lớn được đổ thẳng xuống sông Hồng, chặn dòng chảy sông. |
Đáng chú ý, ở phần mô tả hành vi vi phạm cụ thể của ông Đoàn Văn Cường trong biên bản, khối lượng đất đá đổ lên mái có kè Phương Độ chỉ được ghi 200m3, kích thước chiều dài là 9x50m. Tuy nhiên, thực tế hiện trường khối lượng, chiều dài đất đá đổ đều lớn và dài hơn gấp nhiều lần so với con số ghi trong biên bản.
Dù nội dung biên bản yêu cầu ông Đoàn Văn Cường phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, khôi phục ngay tình trạng ban đầu của bờ kè Phương Độ nhưng không hiểu vì sao đến nay ông Cường vẫn không nghiêm túc thực hiện. Trái ngược, mức độ vi phạm có dấu hiệu càng gia tăng, trở nên trầm trọng hơn.
Thậm chí, tại khu vực trên ông Cường còn ngang nhiên đổ nhiều trụ cột bê tông với khối lượng lớn. Những trụ cột bê tông này sau đó nối liền đến các vị trí của đoạn đường dài hơn 200m mà ông Cường đã san lấp kè trái phép tạo nên, chặn cả dòng chảy của sông Hồng.
|
Tại khu vực vi phạm, bãi cát này nằm ngay trên bờ kè Phương Độ. |
Chính quyền có “tạo điều kiện” cho vi phạm?
Theo quan sát của PV, từ vị trí vi phạm của ông Đoàn Văn Cường đến trụ sở Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ chỉ cách khoảng 400m. Hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên ông Cường có hành vi vi phạm luật đê điều. Trước đó, hồi đầu tháng 9/2020 UBND TP.Hà Nội từng ra quyết định cưỡng chế bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm pháp luật về đê điều mà ông Cường gây ra đối với kè Phương Độ.
|
Trụ sở Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ nằm ngay gần với khu vực vi phạm của ông Đoàn Văn Cường. |
Khi những vi phạm cũ chưa kịp lắng xuống, đến nay ông Cường tiếp tục tái diễn vi phạm mới “băm nát” bờ kè Phương Độ. Điều khiến dư luận băn khoăn, tại sao trụ sở Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ ngay gần với khu vực vi phạm của ông Cường nhưng lãnh đạo Hạt quản lý đê không phát hiện sớm để nhanh chóng ngăn chặn từ đầu, khi sự việc đã rồi Hạt quản lý đê mới “mò đến” lập biên bản “theo quy trình”?
Điều này còn dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận: Có hay không hành vi vi phạm luật đê điều của ông Cường đang được UBND xã Sen Phương, Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ “tạo điều kiện”? Lãnh đạo Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ đã làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát địa phương?
Nhằm trao đổi thêm các thông tin liên quan, ngày 25/1/2021, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Công Cường - Hạt trưởng Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh: Kè Phương Đô, hay đê Hữu Hồng là một trong những công trình phục vụ và có vai trò rất lớn đối với phòng, chống thiên tai. Hơn nữa, Luật đê điều đã quy định rất rõ các trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác sử dụng, bảo vệ đê điều và những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7 Luật Đê điều 2006).
Việc ông Đoàn Văn Cường tự ý thực hiện san lấp kè Phương Độ là hành vi vi phạm các quy định về đê điều. Hành vi vi phạm của ông Cường không chỉ diễn ra trong 1, 2 ngày mà nhiều ngày, bị người dân phản ánh gay gắt. Hành vi này diễn ra công khai nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Điều này thể hiện trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng tại địa phương còn kém, chưa kịp thời.
“Các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội cần nhanh chóng tiến hành làm rõ các thông tin, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm, triệt để nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng về thiên tai sau này”, luật sư Hoàng Tùng kiến nghị.
*Chúng tôi tiếp tục thông tin.