|
Ảnh minh họa. |
Suy nghĩ của đứa trẻ khiến tôi liên tưởng đến câu hỏi mà lâu nay nhiều người trong chúng ta vẫn băn khoăn: Tình cảm và tiền bạc dường như tỷ lệ nghịch với nhau? Rất nhiều người lúc nghèo khổ thì thương nhau, còn khi sung sướng, đầy đủ, tình cảm lại chẳng còn.
Mới đây tôi đến thăm người bạn ở một xóm lao động ở ven đường tàu. Cái xóm lụp xụp, toàn những nhà nghèo, nhưng họ sống thật tình cảm. Bếp núc đun nấu ở ngoài hiên, nhà nọ trông cho nhà kia, có món gì ngon lại chia sẻ cho nhau. Đi làm về muộn, con cái có thể nhờ hàng xóm đón hộ, trông hộ, trời mưa đột xuất cũng yên tâm vì dây quần áo đã có người rút hộ... giống y như những ngày xưa. Nghe bạn kể, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ về khu nhà tôi ở, nhà nào biết nhà ấy, một năm may chỉ có ngày Tết là sang nhà nhau.
Cứ tưởng cuộc sống sung túc hơn, người ta sẽ có thời gian và điều kiện để quan tâm đến nhau. Nhưng ngược lại, chính những lúc nghèo khổ ta lại sống vì người khác nhiều hơn. Hồi bao cấp, nhà tôi còn ở gian nhà tranh vách đất, quanh năm suốt tháng có khách ở quê ra, nào là ra chữa bệnh, đưa con đi thi, ra chơi... méo mặt để lo được bữa cơm, rồi lại dồn chỗ ngủ để dành chỗ cho khách... nhưng vẫn vui. Giờ nhà có phòng riêng cho khách, nhưng nói thật mỗi khi có khách là ngại lắm. Ngại cuộc sống bị đảo lộn, ngại dùng chung nhà vệ sinh với người lạ... đủ thứ ngại.
Phải chăng vì khi nghèo, cái nhu cầu của con người đều là tối giản, mọi thứ đều đơn giản, người ta dễ chấp nhận những cái khác mình, dễ cảm thông, chia sẻ. Còn khi giàu, nhu cầu của con người tăng lên rất nhiều, người ta nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn, khó chấp nhận những cái khác với mình. Thế nên khó thông cảm.
Chẳng ai thích cái nghèo cả. Nhưng lại thích cái tình người lúc nghèo.