“Quan lộ thần tốc”, “bổ nhiệm thần tốc” "con quan lại làm quan" vốn là từ khóa được dư luận quan tâm nhiều nhất trong năm 2017 khi hàng loạt vụ việc được báo chí phanh phui. Nhiều trường hợp “bổ nhiệm thần tốc”, “bố bổ nhiệm con” dẫn đến “quan lộ thần tốc” của nhiều cá nhân…thăng quan tiến chức như … “diều gặp gió”. Không ít trường hợp do bổ nhiệm con sai quy định dẫn đến việc “con quan” bị điều chuyển công tác, kỷ luật và “người bố” bổ nhiệm con mình cũng bị kỷ luật nghiêm khắc.
Tuy nhiên, những vụ “bố bổ nhiệm con”, bổ nhiệm thần tốc và “quan lộ thần tốc” một lần nữa lại gây bức xúc dư luận ngay trong đầu năm 2018 khi báo chí tiếp tục đăng tải nhiều vụ việc về câu chuyện đáng buồn này.
Mới đây, dư luận cả nước lại lùm xùm vụ việc ông Hà Quốc Vương Anh - con trai Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới – ông Hà Quốc Phong. Không nghi ngờ sao được khi ông Hà Quốc Vương Anh có “quan lộ vô cùng thần tốc” khi vừa mới được tuyển dụng đã được Ban Thường vụ Thành ủy giới thiệu để bầu vào chức vụ Phó Bí thư Thành Đoàn, nhiệm kỳ 2012-2017. Và chỉ trong thời gian 1 tháng, ông Hà Quốc Vương Anh được Ban Thường vụ Thành ủy Đồng Hới giới thiệu bầu giữ chức vụ Bí thư Thành Đoàn Đồng Hới, nhiệm kỳ 2017-2022.
|
Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Vietnamnet. |
Ngoài việc để con trai thăng tiến "thần tốc", ông Phong còn để vợ mình là bà Hà Thị Ngân được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của Trung tâm Công viên, Cây xanh không đúng quy định. Bà Ngân cũng được quy hoạch vào chức vụ Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội khi chưa phải là viên chức, công chức.
Dù mắc nhiều vi phạm khuyết điểm trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu ông Hà Quốc Phong, Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới phải rút kinh nghiệm sâu sắc khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Cũng trong thời gian này, dư luận cũng vô cùng ngạc nhiên khi ông Vũ Hùng Sơn (SN 1984) đang giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) bất ngờ được bổ nhiệm chức Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ).
Điều bất thường là trước đây, ông Vũ Hùng Sơn chỉ được biết đến với vai trò là chủ của một Công ty chuyên nhập khẩu xe siêu sang ở Hà Nội (từ năm 2011-2012). Đến năm 2015 không hiểu vì lý do gì, ông ngày 26/2/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương (thời điểm đó là ông Vũ Huy Hoàng) bất ngờ bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương giữ chức Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương kể từ ngày 4/2/2015 và chỉ sau đó 7 tháng, ông Sơn tiếp tục được điều động giữ chức thư ký Bộ trưởng kiêm “Phụ trách văn phòng Bộ Công Thương”.
“Quan lộ thần tốc” của ông Vũ Hùng Sơn tất nhiên khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trường hợp "quan lộ thần tốc" đang thu hút sự tranh cãi nảy lửa từ dư luận chính là của ông Nguyễn Đức Thiện (SN 1988) -con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Nguyễn Đức Chính.
Bởi chỉ một thời gian ngắn khi được tuyển dụng vào biên chế, ông Thiện liên tục được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn và liên tục được thăng chức khi chưa đạt một số tiêu chuẩn theo quy định Nhà nước ban hành.
Liên quan vụ việc trên, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Nguyễn Đức Chính đã phải phân trần trên báo chí rằng, việc tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ là việc của tổ chức, bản thân là Chủ tịch tỉnh chưa bao giờ chỉ đạo hay có ý kiến gì để ưu ái con trai. Tuy nhiên, “quan lộ thần tốc” của con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị không khỏi khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng nếu không phải là con Chủ tịch tỉnh, ông Thiện khó mà có “quan lộ thần tốc, thênh thang đến thế.
Thời gian qua đã có quá nhiều ví dụ để minh chứng cho việc “bổ nhiệm thần tốc”cho người thân hữu, đặc biệt là con cái trong nhà vẫn là một căn bệnh khó chữa của nhiều ông bố “Quan chức” Việt. Bởi chức tước, quyền lực gắn liền với lợi ích, tiền bạc nên người ta đua nhau “giành ghế” cho con cái, người thân của mình.
Trên thực tế, việc bổ nhiệm người nhà là một dạng của tham nhũng quyền lực. Hơn nữa, tham nhũng trong công tác cán bộ lại khó phát hiện, dễ che giấu trong cụm từ đúng quy trình. Căn bệnh “bổ nhiệm người thân” dần trở lên thành một “đại dịch” lan ra nhiều người, ở nhiều địa phương, ăn sâu tâm trí một số “quan chức Việt” nhưng lại gây mất niềm tin trong nhân dân trong công tác cán bộ.
Muốn dẹp bỏ, triệt hạ căn bệnh trầm kha này cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực người đứng đầu trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Trước hết, cần làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong từng vụ việc, xét xử nghiêm minh để răn đe đối với những sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là bổ nhiệm người nhà.
Đặc biệt, muốn dẹp nạn “bổ nhiệm người nhà” cần thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà”?.
Công tác cán bộ quyết định sinh mệnh một đất nước nên phải làm đúng, làm nghiêm, trước mắt là xử lý nghiêm khắc những trường hợp “quan lộ thần tốc” sai quy định khiến dư luận lùm xùm trong suốt thời gian qua.