|
Ảnh minh họa. |
Ông lão già nua, gày gò, một nông dân
chân đất thực sự mà mày mò chế tạo được chiếc máy thô sơ từ những vật
liệu sẵn có để tách được hạt ngô, tuốt được lúa... đỡ được bao nhiêu sức
người. Ông không những tự tách ngô của nhà mình mà còn mang máy đi làm
cho bà con quanh vùng.
Lại nữa, một nông dân ở Nam Bộ đã nghĩ ra cách chế biến quả bần, loại quả thường dùng để nấu canh chua, thành sản phẩm chế biến sẵn có thể đưa đi xa, còn xuất ra cả nước ngoài. Loại quả chua tưởng nếu không dùng nấu canh thì cũng bỏ đi, vậy mà được người phụ nữ nông dân đó xát ra thành bột và cô lại, đóng vào hộp để mỗi lần nấu canh, nấu lẩu chỉ cần cho một chút vào... rất tiện lợi. Và sản phẩm này đã trở thành đặc sản của địa phương.
Còn biết bao nhiêu tấm gương sáng tạo đáng cảm động như thế của những người nông dân chân lấm tay bùn. Người thì tự làm ra chiếc máy để thái hành, thái khoai, làm miến dong, người thì sáng tạo ra máy tuốt lúa... Họ được gọi bằng cái tên thân thương: Nhà khoa học chân đất. Những người không được học hành, không được đào tạo đến nơi đến chốn, những trước những đòi hỏi của thực tế cuộc sống họ đã có những sáng tạo không ngờ.
Thế mới biết cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận của sự sáng tạo. Chúng ta tự hào về sức sáng tạo của người nông dân nhưng cũng chạnh lòng khi nghĩ, vậy các nhà khoa học ở đâu khi người nông dân cần? Thật buồn khi một chương trình hỗ trợ nông nghiệp không triển khai được vì nông dân không vay được vốn ngân hàng chỉ vì một ràng buộc: Phải mua máy móc sản xuất trong nước. Trong khi họ thấy phải mua máy sục oxy do nước ngoài sản xuất thì mới đảm bảo cho các đầm tôm của họ phát triển tốt.
Chúng ta đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp. Tại sao không bắt đầu từ công nghiệp hoá nông nghiệp? Tại sao không bắt đầu từ nông dân, từ những nhu cầu của nông dân? Tại sao không phát triển công nghiệp chế biến để nông sản Việt Nam khỏi thua thiệt, khỏi mất giá trên thị trường quốc tế. Để người nông dân không phải bỏ ruộng mà đi?