Ngoài Việt Nam, người dân nước này cũng cúng ông Công ông Táo

Google News

(Kiến Thức) - Người Việt Nam và Trung Quốc đều có tục thờ ông Công, ông Táo nhưng có nhiều điểm khác biệt. Ví dụ như thay vì tục cúng cá chép của Việt Nam, người Trung Quốc cúng nước và chút cỏ khô vì quan niệm ngựa mới là con vật đưa Táo quân lên trời.

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân Việt Nam và Trung Quốc đều tục cúng Táo quân về trời. Ông Công, ông Táo là những vị thần cai quản mọi việc trong gia đình, có nhiệm vụ lên thiên đình tham dự buổi chầu, báo cáo với Ngọc Hoàng về điều tốt - xấu của gia chủ trong năm qua.
Tục cúng ông Công, ông Táo về trời của người Việt Nam và người Trung Quốc có điểm tương đồng nhưng vẫn có những nét riêng khác biệt.
Cụ thể, người Trung Quốc cũng cúng ông Táo vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Trong quan niệm của người dân Trung Quốc, phúc lộc mà gia chủ được ban cho trong năm mới cũng được quyết định phần nhiều bằng báo cáo của ông Công, ông Táo quân bẩm báo với Ngọc Hoàng.
Mâm cơm cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp của người Trung Quốc. Ảnh: Outernationalist. 
Táo quân của người Trung Quốc có 2 người (ông Táo - bà Táo) thay vì 3 người (2 ông, 1 bà) như của Việt Nam. Trong khi người Việt Nam làm lễ cúng Táo quân ở ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân đặt ở trong bếp thì người Trung Quốc lập bàn thờ Táo quân trong bếp với bức tranh hoặc tượng của ông Táo - bà Táo.
Vào ngày 23 tháng Chạp, người Trung Quốc thường bôi mật ong hoặc kẹo nha lên tranh hoặc tượng của Táo quân. Mâm cơm cúng của người Trung Quốc không thể thiếu bánh tổ Nian Gao (gạo nếp thắng đường và mật ong), kẹo mạch nha, bánh tiết lợn truyền thống. Người dân quan niệm những điều này sẽ giúp Táo quân bẩm tâu những điều tốt đẹp về gia chủ trong năm qua lên Ngọc Hoàng.
Mời quý độc giả xem video Mâm cỗ tiễn ông Công, ông Táo của người Hà Nội xưa có gì? (nguồn: Vietnamnet)
Thay vì cúng cá chép - con vật đưa Táo quân về trời như của Việt Nam, người Trung Quốc thường cúng nước và một ít cỏ khô - thức ăn cho ngựa của ông Táo, bà Táo. Theo quan niệm của người Trung Quốc, ngựa mới là con vật đưa Táo quân lên thiên đình bẩm báo tình hình trong năm qua của gia chủ.
Sau khi cúng giỗ xong, các gia đình Trung Quốc sẽ đem đốt tượng Táo quân bằng giấy rồi thay bằng tượng mới. Trong trường hợp gia đình nào dùng tượng Táo quân bằng sứ sẽ lau chùi sạch sẽ.
Đối với nhà nào cúng Táo quân bằng tranh vẽ dán trong bếp thì sẽ đốt bức tranh đó và thay bằng một bức tranh Táo quân mới sau khi hoàn tất lễ cúng. Gia đình nào không có cỏ khô để cúng Táo quân thì đốt lên một bánh pháo coi như để giúp ông Táo, bà Táo “thăng thiên”.
Tâm Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)