Sau ngày cúng ông Táo mới dọn ban thờ bếp, bát hương?
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, nhiều người theo quan niệm văn hóa người Á Đông cho rằng, dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, rút chân hương ở bát nhang trên ban thờ phải làm sau ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, đây chỉ là những quan niệm dân gian. Nếu có thời gian, chúng ta có thể dọn dẹp khu bếp trong nhà luôn gọn gàng, ngăn nắp và bất cứ thời gian nào. Bởi khu bếp chủ yếu về tài vận, sức khoẻ, do vậy cần gọn gàng, sạch sẽ thì sức khoẻ và công việc làm ăn sẽ thuận lợi.
|
Khu bếp chủ yếu về tài vận, sức khoẻ, do vậy cần gọn gàng, sạch sẽ thì sức khoẻ và công việc làm ăn sẽ thuận lợi. |
Đối với ban thờ tổ tiên, chúng ta cần luôn giữ sạch sẽ, gọn gàng. Một số quan niệm cho rằng, ban thờ (trong đó có ban thờ bếp) nhất nhất là chỉ được tỉa chân nhang vào dịp 23/12. Nhưng thực tế không nhất thiết phải vậy. Với kinh nghiệm nhiều năm, tôi cho rằng, nếu trong năm chân hương quá um tùm chúng ta hoàn toàn có thể chọn những ngày cát lành trong năm để tỉa bớt, điều này giúp tránh hỏa hoạn khi thắp hương.
Hơn nữa, chỉnh trang lại bát nhang đẹp đẽ cũng là tỏ lòng thành với tiên tổ cũng là điều nên làm. Trong trường hợp không quá nhiều chân hương thì có thể làm vào dịp cuối năm theo lệ cũ phép xưa.
Theo ông Trần Hữu Phương, một người am hiểu phong thủy và tục thờ cúng Việt Nam cho biết: "Mọi người nên dọn dẹp khu bếp thường xuyên. Giữ bếp luôn gọn gàng, ngăn nắp vào bất cứ lúc nào bởi, bếp có sạch sẽ thì mới đảm bảo sức khỏe và công việc làm ăn thuận lợi cho gia chủ được. Việc giữa ban thờ nhà bếp, cũng như ban thờ tổ tiên sạch sẽ cũng đóng vai trò quan trọng tương tự".
Chọn giờ đẹp để "cá chép hoá rồng"
Để tiễn ông Công, ông Táo “chầu trời”, ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" tức là cá sẽ biến thành rồng làm "phương tiện" đưa ông Táo về trời.
Ở miền Trung, người dân thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân.
Theo quan niệm dân gian, Lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng ngày 23. Trong đó thời gian được cho là đẹp nhất là vào buổi sáng ngày 23, nếu gia chủ bận công việc thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.
Tuy nhiên theo các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu phong thủy cho rằng, theo quan niệm là như vậy nhưng nhiều người không có điều kiện thì cũng không nhất thiết phải cúng ông Công, ông Táo vào đúng những giờ trên.Thay vào đó, gia chủ có thể cúng bắt đầu từ 23h đêm ngày 22 cho đến trước giờ Hợi (21h -23h) ngày 23 tháng Chạp.
Lưu ý khi đi thả cá
|
Nên thả bằng cách thả từ từ nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá chép có cơ hội sống. |
Nên thả bằng cách thả từ từ nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá chép có cơ hội sống. Thường ngoài thả cá chép, các gia đình cũng thả cả tro cúng Táo quân xuống nước, nhưng để bảo vệ môi trường, hành động này không nên thực hiện.
Dù thả cá chép ở đâu, hãy nhớ bảo về môi trường nước, tuyệt đối không vứt túi ni lông, chân, tàn hương hay các vật dụng thờ cúng khác xuống sông hồ.
Nên chọn những hồ được xây kè cẩn thận, có bậc thang lên xuống. Nếu nơi thả cá chưa xây kè nên chọn chỗ có nền đất vững chắc.