5 việc nhất định phải làm trong bếp trước khi bày mâm cúng ông Công ông Táo

Google News

Bên cạnh việc chuẩn bị cỗ cúng, chuẩn bị bàn thờ,... thì việc sửa soạn tân trang lại căn bếp gia đình để tiễn ông Công ông Táo rất quan trọng. 

Theo quan niệm từ xưa truyền lại, trong ngày ông Táo chầu trời (còn gọi là ngày Tết ông Công ông Táo), các gia đình làm cỗ cúng rồi đốt bài vị cũ thay bài vị mới. Sau khi cúng xong, ông Táo lên chầu Thượng đế để báo cáo những điều tai nghe mắt thấy ở trần thế mà mình đã ghi chép được.

Táo quân gồm 2 ông, một bà là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình, tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt. Người xưa quan niệm, gia đình có yên ấm, hạnh phúc hay không cốt yếu là ở cái bếp, bởi đó là nơi giữ lửa, giữ nhiệt.

Chính bởi vậy, bên cạnh việc chuẩn bị cỗ cúng, chuẩn bị bàn thờ,... thì việc sửa soạn tân trang lại căn bếp gia đình để tiễn ông Công ông Táo rất quan trọng. Việc dọn bếp vừa giúp căn bếp được sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, vừa mang đến diện mạo mới cho cả ngôi nhà, ông Táo và các vị thần sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi trông coi việc nhà cửa, bớt nói điều không hay về gia đình trong năm tới. Vậy nên làm những gì?

 Gia chủ luôn phải giữ bếp thật gọn gàng sạch sẽ để nhà cửa tươi mới, lễ cúng ông Công ông Táo được trọn vẹn, đón một năm mới nhiều may mắn, tài lộc. (Ảnh minh họa)

1. Giữ lửa

Yếu tố lửa trong căn bếp rất quan trọng trong việc các ông Công ông Táo nhận xét gia chủ có trân trọng nguồn lực hút tài lộc của gia đình hay không. Ngoài ra, theo quan niệm xưa cũ, lửa tắt biểu thị cho sự lụi tàn hoàn toàn không tốt cho gia đình.

Vì thế hãy luôn giữ một ngọn lửa trong nhà hoặc có thể bật một chiếc đèn nhỏ trong bếp, tượng trưng cho sự chói sáng của lửa. Lưu ý, ngọn lửa nên chỉ để ở mức vừa phải, không nên quá to biểu thị cho sự cân bằng và an toàn cho cả gia đình.

2. Đặt thùng rác ra xa bếp

Thùng rác là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe, dễ lây nhiễm vào thực phẩm hoặc các món ăn khi bạn chế biến trong bếp.

Bên cạnh đó, theo phong thủy, thùng rác còn là nơi ẩn chứa nhiều năng lượng tiêu cực nhất. Vậy nên tốt nhất bạn nên để thùng rác ra xa khu vực bếp hoặc thường xuyên đổ rác, vệ sinh nó.

3. Loại bỏ những vật dụng đã cũ

Cuối năm, những dụng cụ nhà bếp cũ, sử dụng đã một thời gian dài mà bạn không có nhu cầu dùng nữa thì tốt nhất nên thay thế. Đó vừa là cách bạn bảo vệ sức khỏe cho mọi thành viên trong gian đình, vừa giúp căn bếp mới mẻ, giàu năng lượng hơn.

Đặc biệt, khi bạn sắm sửa đồng bộ đồ dùng nhà bếp như nồi, dao, chảo, thớt, muỗng…, căn bếp sẽ trông gọn gàng và sang hơn nhiều.

Bếp sau khi được lau dọn, loại bỏ đồ cũ không dùng, sắm sửa đồ mới thì sẽ giàu năng lượng hơn nhiều. (Ảnh minh họa) 

4. Loại bỏ vật dụng không dùng tới

Những vật dụng không bao giờ dùng tới trong bếp từ chai, lọ,… thì đừng chần chừ mà hãy vứt đi ngay. Chúng không chỉ khiến căn bếp thêm chật chội, bề bộn hơn mà còn tăng nguy cơ sản sinh nhiều vi khuẩn có hại trong bếp.

Nếu vẫn muốn tận dụng hay tái chế một số đồ, bạn có thể làm sạch lại, đựng những vật dụng vào đó và xếp chúng lên giá gọn gàng.

5. Giữ bếp luôn gọn gàng, sạch sẽ

Không riêng gì con người, mà các vị thần tài cũng chẳng bao giờ muốn bước vào một căn bếp bừa bộn, bẩn thỉu và nhìn đâu cũng thấy những thực phẩm rơi vãi. Bên cạnh đó, những đồ dùng trong bếp mà dính dầu mỡ, rỉ sét sẽ tạo nên những năng lượng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc của gia chủ.

Vậy nên, gia chủ luôn phải giữ bếp thật gọn gàng tươm tất, lau dọn sạch sẽ để nhà cửa tươi mới, sáng sủa và lễ cúng ông Công ông Táo được trọn vẹn, đón một năm mới nhiều may mắn, tài lộc và gia đình khỏe mạnh.



Theo Du Jin (Khám Phá)

>> xem thêm

Bình luận(0)