Tuy nhiên, nguyên nhân lây nhiễm HIV tại Phú Thọ chắc chắn sẽ không chỉ đến từ mũi kim tiêm của y sĩ...
Cả xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đang có chung nỗi hoang mang, lo lắng về HIV khi nhiều người trong xã phát hiện dương tính với căn bệnh này. HIV không chỉ là một nỗi ám ảnh mà thực tế một số trường hợp được ghi nhận đã mắc căn bệnh thế kỷ này, thậm chí có người đã tử vong khiến nỗi lo lắng càng nhân lên gấp bội.
Trong sự hoang mang tột cùng, những người mang “án tử” và cả những người khỏe mạnh sinh sống trong xã đã không ngừng đặt câu hỏi, HIV từ đâu về làng, gây nên sự tang tóc và nỗi lo cho những người dân vốn quanh năm lam lũ làm ăn để từ đứa trẻ mới mười mấy tháng tuổi đến bà lão đã gần 60 lần lượt có tên trong danh sách 42 người bị “tử thần” vẫy gọi tại Kim Thượng.
Tuy nhiên nguyên nhân nào dẫn đến việc người dân bị nhiễm HIV như vậy thì cơ quan chức năng vẫn chưa khẳng định được.
|
Những người dân Kim Thượng đang lo lắng bởi HIV. |
Trong khi đó, mọi nghi vấn nguồn lây HIV là do nhiều người tiêm chung một mũi tiêm tại nhà một y sĩ ở địa phương, dẫn đến bệnh tình lan rộng. Tất nhiên, nghi vấn chỉ là do người dân suy đoán, chưa có cơ sở để kết luận bởi để khẳng định nguyên nhân đến từ đâu phải chờ kết quả làm việc của cơ quan chức năng.
Chiều ngày 13/8, trả lời báo chí liên quan vụ việc trên, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người cùng xã nhiễm HIV, hiện chưa thể khẳng định đến từ đâu, nguyên nhân nào dẫn tới việc phát hiện số lượng cao nhiễm HIV ở Kim Thượng. Để có nguyên nhân chính xác, tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ Y tế cử đoàn chuyên gia làm việc với tỉnh, nghiên cứu đánh giá một cách khoa học để khẳng định nguyên nhân dẫn tới tình hình trên.
Đại diện Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, con số 42 người mới phát hiện nhiễm HIV ở xã Kim Thượng có thể là con số tích luỹ từ thời gian trước.
Rõ ràng, việc người dân nghi ngờ do dùng chung kim tiêm khi đến điều trị tại nhà y sĩ dẫn đến nhiễm HIV là chưa có cơ sở. Bởi theo bà Nguyễn Ngọc Hoa - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), khi làm tường trình về sự việc, bản thân y sĩ này cũng khẳng định không sử dụng chung bơm kim tiêm cho các bệnh nhân.
Vậy vsao người dân lại nghi ngờ nguồn lây bệnh từ kim tiêm của y sĩ? Việc này không khó để lý giải bởi theo thói quen một số người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn do trình độ nhận thức có hạn, lại ngại đi cơ sở y tế khi có bệnh tật nên thường tìm đến các “bác sĩ” làng nhờ điều trị. Do trình độ có hạn, nhiều vụ việc thương tâm, đáng tiếc đã xảy ra mà điển hình là vụ việc ở Hưng Yên khi hàng chục bé trai bị sùi mào gà do sự cẩu thả trong nghề nghiệp của một nữ y sĩ xảy ra mà mới đây cơ quan điều tra đã khởi tố.
Trong trường hợp, một bà lão 60 tuổi ở Kim Thượng, quanh năm chưa từng ra khỏi lũy tre làng và đã từng đến điều trị tại nhà y sĩ nay bị phát hiện nhiễm HIV khiến nghi ngờ của người dân càng có cơ sở.
Tuy nhiên, trước khi đổ dồn nguyên nhân lên y sĩ, người dân cũng nên nhìn nhận lại bản thân mình trong việc phòng tránh HIV/AIDS. Trên thực tế, HIV có nhiều đường lây nhiễm như từ quan hệ vợ chồng, từ mẹ sang con, lây nhiễm qua đường máu, tiêm chích… Trong khi đó, không chỉ riêng xã Kim Thượng mà nhiều xã nông thôn, vùng sâu, xa, khi nông nhàn nhiều người thường đi xa kiếm việc làm, do thiếu kiến thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm HIV đã quan hệ không lành mạnh, thậm chí sa đà tệ nạn, hút chích rồi về lại lây cho những người thân.
Do vậy, nguồn lây của HIV rất rộng trong khi người dân lại thiếu kiến thức tối thiểu để bảo vệ mình như việc đi tiêm tại nhà y sĩ thì có thể yêu cầu họ thay kim tiêm mới, hay thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, thậm chí khuyên người thân đi làm ăn xa mới về khám sức khỏe để sớm phát hiện bệnh tật…
Quay lại vụ việc ở Kim Thượng, trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, người dân không nên quá hoảng sợ mà nên đi kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho người không may nhiễm HIV hiểu và yên tâm điều trị; người dân sống trong địa bàn an tâm, không gây hoang mang.
Qua vụ việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Tân Sơn đã làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình? Bởi sự thiếu hiểu biết của người dân trong phòng tránh căn bệnh thế kỷ thì không thể không có trách nhiệm của các cơ quan trên.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nên rà soát toàn bộ các phòng khám chui, tư nhân tự mở phòng khám tại nhà nhất là tại các vùng quê, vùng sâu, vùng xa và xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra từ những phòng khám tự phát này trên cả nước.