Vụ việc cô giáo Phạm Thị Nhật H. - trường THPT Nguyễn Huệ, ở thị xã La Gi, Bình Thuận có quan hệ yêu đương, cùng vào nhà nghỉ với nam sinh lớp 10 đã thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian dài với nhiều ý kiến trái chiều nay lại khiến dư luận có nhiều dấu hỏi khi cô giáo này tiếp tục trở lại giảng dạy bình thường.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Bích Hoàn, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cô giáo H. đã bị nhận hình thức kỷ luật kiểm điểm, sau khi có kết luận chính thức từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận kết luận cô giáo H. có quen biết nhau, có yêu đương, thường xuyên nhắn tin cho nhau, quan tâm trên mức bình thường với 1 nam sinh lớp 10. Cô giáo và học sinh có đi vào nhà nghỉ, nhưng không có cơ sở chứng minh quan hệ tình dục. Do vậy, ngành giáo dục xử lý vấn đề đạo đức nhà giáo.
|
Hình ảnh cô giáo và học trò trong nhà nghỉ. |
Việc cô giáo Phạm Thị Nhật H. được trở lại giảng dạy sau khi bị kiểm điểm do vi phạm đạo đức nhà giáo khiến dư luận có nhiều băn khoăn. Bởi trước đó, bản thân cô giáo đã có hành vi yêu đương với học trò, dù chưa chứng minh được hai người có quan hệ tình dục với nhau hay không tuy nhiên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.
Trên thực tế, bất kỳ môi trường giáo dục tại bất cứ quốc gia nào đều không cho phép giáo viên có quan hệ yêu đương với học sinh đang ở độ tuổi vị thành niên. Ngay tại nước Mỹ, cô giáo có quan hệ tình cảm với học trò đều phải nghỉ học, thậm chí xử tù nếu có quan hệ tình dục với học sinh tuổi vị thành niên.
Còn tại Việt Nam, nơi có truyền thống tôn sư trọng đạo được lưu giữ qua nhiều thế hệ không chấp nhận giáo viên có quan hệ tình cảm yêu đương nam nữ với học trò trong tuổi vị thành niên. Hành vi có quan hệ yêu đương với học trò của cô giáo đã trở thành tấm gương mờ trong môi trường giáo dục làm xói mòn, băng hoại truyền thống tôn sự trọng đạo, khiến hàng trăm học sinh bị ảnh hưởng, các phụ huynh lo lắng bức xúc. Bởi quan điểm truyền thống, nếu thầy cô giáo không giữ được chuẩn mực đạo đức sẽ không thể là tấm gương sáng để dạy dỗ học sinh.
Chuyện đáng lên án, khiến dư luận phẫn nộ bởi cô giáo đã lập gia đình (dù đang làm thủ tục ly hôn) và nam sinh năm nay mới học lớp 10 – vốn ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại là học trò đang theo học chính cô giáo này ở trường THPT.
Nếu xét về mặt đạo đức thì thật khó chấp nhận nhất là cô giáo lại làm trong một môi trường giáo dục, mỗi một hành vi không đúng đắn có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của hàng trăm học sinh đang theo học tại trường và ảnh hưởng đến chính nam sinh người được cho là có quan hệ tình cảm với cô giáo. Bởi nếu vụ việc này xử lý không khéo sẽ khiến nam sinh vẫn còn non nớt chưa thực sự hiểu, nhận thức mọi vấn đề sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý và có những hành động dại dột. Hành vi yêu đương với học trò của một cô giáo đã có gia đình đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín nghề giáo.
Rõ ràng hành vi có quan hệ tình cảm yêu đương với học trò của cô giáo trong trường hợp này là vi phạm đạo đức nhà giáo, dư luận cho rằng, nếu khi xác định rõ hành vi vi phạm mà chỉ chuyển nơi công tác đối với cô giáo là không nghiêm trị, chứ đừng nói đến việc kỷ luật cho có rồi cô giáo tiếp tục quay về trường giảng dạy.
Chiếu theo quy định của Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT ban hành khi giáo viên "vi phạm đạo đức nhà giáo" sẽ bị điều chuyển, không làm công tác giảng dạy, việc dư luận cho rằng, chỉ kỷ luật kiểm điểm cô giáo rồi cho quay về trường giảng dạy bình thường là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Dù biết rằng, về mặt chuyên môn, cô giáo H. có thể là một giáo viên giỏi, tuy nhiên với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nếu để cô giáo đứng lớp sẽ gây ra một tâm lý cho xã hội, đặc biệt là cho các học sinh, phụ huynh và các giáo viên. Tất nhiên, không ai muốn đẩy người khác đến đường cùng và ai cũng muốn cho cô giáo cơ hội để sửa chữa sai lầm, làm một giáo viên tốt, chuẩn mực đạo đức. Nhưng theo quy định khi đã có dấu hiệu vi phạm, các ngành phải làm thận trọng tránh tạo oan sai và quy chụp cho giáo viên. Tuy nhiên, khi đã đưa ra kết luận hành vi giáo viên vi phạm đạo đức thì cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe những trường hợp khác.
Trên thực tế một có một ví dụ điển hình về tình trạng xử lý không nghiêm dẫn đến các vi phạm tiếp diễn, đó là tình trạng cô giáo Trần Thị Minh Châu (giáo viên Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè - TP HCM)- người từng bị kỷ luật do “im lặng 4 tháng: khi lên lớp, sau khi được quay trở lại giảng dạy, cô giáo tiếp tục có những hành vi ném vở của học sinh xuống đất khi các em không làm bài tập hoặc làm không đúng như ý cô khiến bản thân cô giáo này tiếp tục bị đình chỉ khi vừa quay lại đứng lớp.
Mới đây, ngay khi hàng loạt vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra, ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nếu thực hiện nghiêm sẽ chấn chỉnh tình trạng trên giáo viên vi phạm đạo đức, loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, không thể cứ giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ kỷ luật bằng cách kiểm điểm rồi cho đứng lớp mà cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn.