"Hợp pháp hóa" đòi nợ thuê: “Tấm áo không làm nên thầy tu”

Google News

(Kiến Thức) - Quy định đồng phục, thẻ cho người đòi nợ thuê, yêu cầu về trình độ học vấn với cấp quản lý, quy định mức vốn điều lệ tối thiểu… trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang gây nhiều tranh cãi…

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa mới được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến đã nhận được một số ý kiến từ dư luận khi cho rằng, dự thảo còn một số quy định chưa hợp lý, khó khả thi khi áp dụng thực tế như quy định về việc bắt buộc nhân viên đòi nợ phải mặc đồng phục, quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, yêu cầu về trình độ học vấn với cấp quản lý doanh nghiệp…
“Tấm áo không làm nên thầy tu”
Câu nói dân gian trên đã được nhiều người sử dụng để nói về quy định mặc đồng phục với người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà dự thảo quy định. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, người đi đòi nợ thuê phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục cho người lao động do doanh nghiệp tự thiết kế. Trên trang phục phải có tên doanh nghiệp, đồng thời các đơn vị phải công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh. Khi nhân viên đòi nợ kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.
Bộ Tài chính lý giải, đề xuất trên do báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu" để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ... gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức là khách nợ.
 Ảnh minh họa.
Bởi vậy, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh khá nhạy cảm, nên việc quy định về trang phục cho người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, qua đó hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối như nêu trên; nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề hợp pháp…
Dù quy định trên có thể ngăn được tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, giúp dịch vụ này trở lên quy củ hơn nhưng dư luận cho rằng, “Tấm áo không làm nên thầy tu” và khó khả thi khi áp dụng thực tế. Bởi đây chỉ là hình thức và sẽ tạo thêm tâm lý đối phó.
Bởi trên thực tế, đồng phục không phải là gốc vấn đề để có thể giải quyết được thực trạng vấn nạn, biến tướng của việc đòi nợ thuê.
Việc buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục cho người lao động sẽ làm tăng chi phí, trong khi đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bất chấp tuyển cả các đối tượng “xã hội đen” thì cũng chỉ cần phát đồng phục cho các đối tượng này cũng có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng. Khi xảy ra chuyện, hay có vấn đề trong quá trình đòi nợ thuê, công ty báo mất đồng phục hoặc báo cho nhân viên đó đã nghỉ việc thì cũng rất khó để xử lý.
Trong khi đó, dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp đòi nợ thuê trong việc chấp hành mặc đồng phục?
Có nên quy định giám đốc, người quản lý phải có bằng đại học?
Một quy định khác trong dự thảo cũng được cho là khó khả thi, đó là việc quy định tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Dù biết rằng, việc quy định này nhằm bảo đảm các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có chuyên môn, nghiệp vụ đòi nợ theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đòi nợ chủ yếu bằng kỹ năng đàm phán, thương thuyết; hiểu và luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen, làm mất an ninh, trật tự xã hội.
Tất nhiên, người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh kinh doanh dịch vụ đòi nợ có trình độ sẽ giảm được nhiều hệ lụy từ việc đòi nợ thuê do họ đã qua trường lớp, họ vừa hiểu xã hội thế nào và có kỹ năng đọc, hiểu và tuân thủ quy định pháp luật.
Ví như, người có bằng cử nhân luật và phải học ít nhất 12 tháng nghiệp vụ đòi nợ, họ sẽ trân trọng cái bằng và chứng chỉ do học tập, rèn luyện mà có được và họ được dạy làm sao không xâm phạm nhân quyền với thời gian dài và chi phí lớn. Và thực tế, trước đây những vấn nạn, tiêu cực từ việc đòi nợ thuê là do quản lý đầu ra lỏng lẻo, ai làm quản lý cũng được dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tuy nhiên, trên thực tế, kinh doanh đòi nợ là một dịch vụ không đòi hỏi phải có kiến thức học thuật và không có có cơ sở nào để bắt buộc các người quản lý dịch vụ đòi nợ thuê phải có trình độ đại học.
Hơn nữa, với cơ chế xin - cho như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chạy bằng cấp để có được vị trí trong các công ty thu hồi nợ. Trong khi đó, việc chạy một bằng đại học chuyên ngành không phải là khó nhưng lại không phản ánh thực chất năng lực của họ, như vậy chỉ tạo ra “vỏ ngoài” để lách luật chứ không có tính bền vững.
Trong khi đó, thực tế không thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.
Ngay cả quy định về việc người quản lý chưa bị kết án hay với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ không thuộc trường hợp đã bị khởi tố hình sự, đã bị kết án, từng bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc…thì thực tế thời gian qua cũng chưa thể kiểm soát nổi. Không ít người điều hành nhóm người thu hồi nợ “tiền án nhiều hơn tiền mặt”.
Cùng với đó, việc đề xuất vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng cũng bị cho là chưa phù hợp với vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ mang tính chất hình thức bởi thực tế một doanh nghiệp hoạt động chỉ cần có đầy đủ cơ sở vật chất và con người hợp pháp.
Như VCCI từng cho rằng, xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng).
Những phân tích trên cho thấy, nhiều quy định trong dự thảo làm tăng thêm điều kiện cho lĩnh vực dịch vụ đòi nợ mà lại không mang lại hiệu quả, chỉ là hình thức và tạo thêm tâm lý đối phó.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)