Hàng nghìn sinh viên bị “rơi rụng” mỗi năm: Công sức, tiền bạc đổ sông đổ biển

Google News

(Kiến Thức) - Hàng nghìn sinh viên bị “rơi rụng” mỗi năm đặt ra nhiều câu hỏi về chính cách quản lý, đào tạo của các trường đại học.

Hàng nghìn sinh viên tại các trường đại học bị buộc thôi học mỗi năm – không chỉ khiến các trường đại học đau đầu tìm giải pháp mà còn khiến dư luận sốc, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Không thể không ngạc nhiên, không sốc khi theo danh sách các trường trường đại học tại TP HCM công bố cho thấy, mỗi năm có đến hàng trăm sinh viên/trường bị về cảnh cáo học vụ, bị buộc thôi học, thậm chí có trường lên đến cả nghìn sinh viên.
Cụ thể, trường Đại học Luật TP HCM có đến 169 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học một năm, buộc thôi học. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố danh sách gần 450 sinh viên bị buộc thôi học. Mỗi năm Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM buộc thôi học khoảng 400 sinh viên…
Hang nghin sinh vien bi “roi rung” moi nam: Cong suc, tien bac do song do bien
 Ảnh minh họa.
Năm học 2016 -2017, Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em. Chỉ trong học kỳ 1 năm học 2016-2017, Đại học Giao thông vận tải TP.HCM có đến 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, trong đó rất nhiều em bị cảnh cáo đến lần 2. Nhà trường phải ký quyết định buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.
Điển hình về tình trạng trên là câu chuyện buồn từng gây xôn xao dư luận khi trường Đại học Tây Nguyên trước đây buộc thôi học đến 1.041 sinh viên.
Những con số thống kê trên cho thấy, không chỉ ở các trường có chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp mà ngay cả các trường có chất lượng tuyển sinh đầu vào khá cao, số lượng sinh viên bị buộc thôi học cũng lên tới hàng trăm em mỗi năm. Đó thực sự là vấn đề cần được nhìn nhận, phân tích để tìm giải pháp.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến các sinh viên bị buộc thôi học trong đó chủ yếu do có điểm trung bình chung tích lũy quá thấp, không đủ điều kiện tiếp tục theo học. Cũng có trường hợp nhận thấy ngành học không phù hợp với cá nhân nên chuyển ngành hoặc chuyển trường nhưng đây là con số rất thấp.
Có nhiều cách để lý giải việc kết quả học tập các sinh viên trên giảng đường đại học sa sút khi đầu vào hiện nay của các trường đại học khá thấp, thực tế thí sinh chỉ cần hơn 10 điểm là có thể trở thành sinh viên đại học. Tuy nhiên, chương trình đào tạo đại học nặng, giáo viên yêu cầu cao. Nhất là khi vào năm thứ nhất, sinh viên phải học những môn đại cương, với lượng kiến thức rộng, nhiều khi không liên quan đến ngành học dễ khiến sinh viên nản chí, chán học.
Bên cạnh đó, khi đi học đại học, nhiều sinh viên đã rời xa gia đình lên thành phố tự lập, các em đã không giữ được ý thức học tập, sa đà vào tệ nạn xã hội, ham chơi, lười học nên không theo được chương trình học, điểm thấp, nợ tín chỉ triền miên bị nhà trường đuổi học là đương nhiên.
Một nguyên nhân khác, đó là tình trạng “bố mẹ đặt đâu, con học đấy” dẫn đến việc khi bước vào đại học, các em cảm thấy ngành nghề mình học không phù hợp với sự ưa thích của bản thân, dẫn đến tâm lý chán nản.
Nhưng bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa, việc sinh viên bị buộc thôi học cũng khiến bản thân các em tuyệt vọng khi cánh cửa đại học đóng lại. Thậm chí gia đình các sinh viên bị đuổi học sẽ rất suy sụp khi bao kỳ vọng về con cái sẽ có tương lai khi vào đại học sụp đổ.
Để bước chân được vào trường đại học là bao nhiêu công sức của bản thân các em sinh viên trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, là kết quả của sự kèm cặp của gia đình, sự dạy dỗ của thầy cô, bao nhiêu tiền bạc bố mẹ chắt chiu gom góp để cho con ăn học đều đổ sông, đổ bể. Mở rộng ra hơn, cả xã hội chạy theo học tập, bằng mọi giá vào đại học nhưng khi bước chân vào trường đại học, sinh viên lại không chịu rèn luyện rồi bị đuổi học giữa chừng. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho hệ quả của một xã hội chạy theo bằng cấp. Chưa kể đến việc, mỗi năm hơn 200 nghìn sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp do chương trình đào tạo không đáp ứng được với yêu cầu công việc thực tế.
Tuy nhiên, không thể đổ hết lỗi cho việc sinh viên ham chơi, lười học, học kém mà các trường cũng nên xem lại cách thức, quản lý, đào tạo của mình. Bởi khi sinh viên chập chững bước chân vào giảng đường đại học, các em sẽ phải tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu. Việc các trường đề ra phương pháp học tập đúng đắn, cung cấp cho các sinh viên đề cương các môn học cũng khiến các em hứng thú trong học tập. Bên cạnh đó, cần nắm bắt tâm lý các em sinh viên để định hướng cho phù hợp để các em không mất phương hướng vì không tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất. Chứ không phải thả nổi các em để các em sa sút trong học tập.
Đặc biệt, các trường cũng không nên coi việc loại thải nhiều sinh viên để khẳng định là trường nghiêm túc, nghiêm khắc trong việc sàng lọc sinh viên, chứng minh trường có chất lượng tốt mà nên có những phương pháp đào tạo phù hợp để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, giúp các em trở thành người có ích cho xã hội.
Quan trọng hơn nữa, cần tăng cường kiểm định chất lượng đại học, có những chương trình kiểm định độc lập để đảm bảo được chất lượng. Việc để các trường tự quyết về kỷ luật sinh viên ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đầu ra của sinh viên.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)