Vụ việc ông Tô Hữu Tài – Phó Giám đốc Agribank Hương Khê cùng 12 đối tượng khác bị Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04) Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Hương Khê bắt quả tang đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng VIP8 quán karaoke Dubai (thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê) đang thu hút dư luận.
Liên quan vụ việc trên, trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Nhất - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh II cho biết, sau khi nhận được thông tin từ cơ quan Công an, đơn vị đã tạm đình chỉ chức vụ Phó Giám đốc Agribank Hương Khê đối với ông Tô Hữu Tài để chờ kết luận của cơ quan điều tra, đồng thời bố trí nhân sự thay thế nhằm đảm bảo hoạt động ổn định tại Chi nhánh Hương Khê.
Dư luận quan tâm việc Agribank Hà Tĩnh II tạm đình chỉ chức vụ PGĐ Agribank Hương Khê do chơi ma túy đối với ông Tô Hữu Tài có đúng quy định của pháp luật?
|
Lực lượng công an bắt quả tang 13 đối tượng đang chơi ma túy, có cả cán bộ công chức huyện. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề dư luận quan tâm trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc tạm đình chỉ chức vụ Phó Giám đốc Agribank Hương Khê đối với ông Tô Hữu Tài của các lãnh đạo ngân hàng Agribank Hà Tĩnh II đã sai các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức là ông Tô Hữu Tài.
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị xử lý về hình sự kể từ năm 2018 mà chỉ bị xử lý hành chính.
"Đến thời điểm này, cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can đối với ông Tô Hữu Tài về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, việc tạm đình chỉ ông Tô Hữu Tài và đưa người khác vào làm thay là sai quy định của pháp luật", Luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến.
Luật sư Bình cho rằng, trong trường hợp ông Tô Hữu Tài bị khởi tố về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì trong trường hợp này cũng không được đình chỉ công tác đối với ông bởi ông Tài không phải phạm tội tham nhũng hoặc các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Luật sư Bình dẫn điều 81 Luật cán bộ công chức năm 2008 có quy định:
"1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày;nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ".
"Nhiều ý kiến cho rằng, có căn cứ cho rằng nếu để ông Tài làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý theo Điều 81 Luật cán bộ công chức năm 2008. Tuy nhiên, hiện cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với ông Tô Hữu Tài và bản thân ông Tài không vi phạm trong lĩnh vực mà ông Tài đang quản lý. Hơn nữa, hiện cơ quan điều tra cũng chưa có lệnh tạm giam đối với ông Tài nên việc tạm đình chỉ chức vụ của ông là không đúng quy định", Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.