Bản tin đáng chú ý nhất dư luận trong tuần qua chính là vụ việc Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04) Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Hương Khê bắt quả tang ổ nhóm 13 đối tượng đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng VIP8 quán karaoke Dubai (thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê).
Chuyện tụ tập tập thể chơi ma túy trong quán karaoke, quán bar không có gì là lạ với dư luận cả nước bởi thời gian qua, lực lượng công an các tỉnh thành đã phát hiện xử lý rất nhiều vụ việc trên.
Tuy nhiên, việc phát hiện 13 đối tượng chơi ma túy trong quán karaoke Dubai ở thị trấn Hương Khê thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi có đến 5 cán bộ công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn huyện Hương Khê tham gia “bữa tiệc” ma túy trên.
Trong đó, có một nữ giáo viên trường tiểu học Hương Trà, một kế toán trường mầm non Phúc Trạch, một cán bộ kiểm lâm huyện Hương Khê và cán bộ hợp đồng bán bảo hiểm ngân hàng Công thương. Một nhân vật rất đáng chú ý tham gia “tiệc” ma túy trên là ông Tô Hữu Tài – Phó Giám đốc Agribank Hương Khê.
Thậm chí, theo VKSND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, có 3 đối tượng được đưa vào diện tình nghi cung ứng ma túy trong bữa tiệc sinh nhật trên trong đó có Phó Giám đốc Agribank Hương Khê – Tô Hữu Tài.
|
Lực lượng công an bắt quả tang 13 đối tượng đang chơi ma túy, có cả cán bộ công chức huyện. |
Nhìn nhận ở góc độ xã hội, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện cán bộ, công chức, viên chức chơi ma túy bởi trong các báo cáo, thống kê về tình hình nghiện ma túy trong đội ngũ cán bộ, công chức trong cả nước mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã công bố trước đó, con số người nghiện ma túy trong đội ngũ này không phải là ít.
Ngay tháng 5/2018 vừa qua, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra quán karaoke 67 HiHi (đường Phó Cơ Điều, phường 3, TP Vĩnh Long) phát hiện 77 đối tượng dương tính với ma túy, trong đó có cả một công chức cấp cơ sở.
Cán bộ, công chức, viên chức chơi ma túy làm ảnh hướng đến hình ảnh người cán bộ, gây mất niềm tin của người dân vào một bộ phận công chức, viên chức hiện nay. Bởi khi cán bộ, công chức, viên chức tàng trữ, sử dụng ma túy khiến người dân đặt ra nhiều nghi vấn về những khoản thu nhập bất chính nên mới dễ dàng ném vào ma túy. Bởi công chức, viên chức bình thường thì khó lòng ném tiền vào những cuộc ăn chơi xa xỉ.
Hơn nữa, cán bộ công chức, viên chức là những người có chức trách nhiệm vụ trong hệ thống các cơ quan nhà nước, có điều kiện tiếp xúc với nhiều người dân nên khi họ nghiện ma túy dễ bất chấp danh dự làm những việc phi pháp để có tiền sử dụng ma túy.
Trên thực tế, cán bộ công chức, viên chức lẽ ra phải là những tấm gương để người khác học tập bởi họ được ăn học đàng hoàng, có nhận thức đầy đủ về những tác hại của ma túy nhưng vẫn như con thiêu thân lao vào biến mình thành những tấm gương mờ, gây bức xúc trong xã hội.
Như trường hợp ông Tô Hữu Tài – Phó Giám đốc chi nhánh Agribank Hương Khê được cấp trên đánh giá trong công việc là người chăm chỉ, không có "biểu hiện sa ngã" nên việc phát hiện ông Tài chơi ma túy khiến lãnh đạo chi nhánh này bất ngờ. Do hành vi sử dụng ma túy, hiện ông Tô Hữu Tài đã bị Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II ra quyết định đình chỉ chức vụ để chờ kết luận của cơ quan điều tra về sự việc.
|
Tang vật vụ án. |
Ở góc độ pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trước đây, người sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, từ 2018, hành vi này không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa mà chỉ bị xử lý hành chính.
Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự 1999, người sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu tái phạm có thể lĩnh án tù đến 5 năm. Ngoài ra, người góp tiền để mua ma túy sử dụng chung hoặc bỏ tiền mua hàng cấm cho những người khác sử dụng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) không coi hành vi đó là tội phạm. Theo luật mới, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, căn cứ Điều 21, Nghị định 167 ngày 12/11/2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đối với người sử dụng ma túy, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1 - 2 năm. Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Nói về việc hiện Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo phải tập trung làm rõ 2 hành vi: Hành vi tổ chức và hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, trong trường hợp có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự 2015.
Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra điều tra được trong số các cán bộ này có người tổ chức sử dụng thì các cán bộ tổ chức sẽ bị truy tố về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điều 255 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 theo đó Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Riêng đối với trường hợp tổ chức sử dụng cho đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.