Các trường Công an đang làm thủ tục trả lại địa phương 28 thí sinh gian lận thi cử ở tỉnh Hòa Bình và sắp tới 36 thí sinh “ngồi nhầm” giảng đường ở tỉnh này sẽ tiếp tục bị xử lý. Ai đã mang lại những cái giá đắng chát cho chính các em học sinh này?
Câu chuyện gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018 lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận khi các Sở GD&ĐT các tỉnh được xác định xảy ra gian lận trong thi cử đã gửi danh sách các thí sinh được nâng điểm về các trường, Bộ, ngành. Dư luận đặt sự quan tâm vào việc số phận các thí sinh gian lận sẽ ra sao liên quan vụ việc trên.
Mới đây, Cục Đào tạo - Bộ Công an đã nhận danh sách 64 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia do Sở GD&ĐT Hòa Bình gửi. Cục Đào tạo đã chuyển danh sách này về các trường trực thuộc Bộ Công an.
|
Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. |
Sau khi kiểm tra, Bộ Công an đã bàn giao 28 sinh viên trúng tuyển vào các trường công an nhân dân, được xác định liên quan gian lận điểm thi, về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định.
Theo đó, có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân; 9 thí sinh trúng tuyển vào Học viện ANND và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường Đại học PCCC.
Ngoài 28 thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình đang bị các trường công an làm thủ tục trả lại địa phương, 36 thí sinh khác trong danh sách 64 thí sinh bị phát hiện gian lận thi cử ở Hòa Bình cũng sẽ bị xử lý tương tự, dù hiện nay việc các thí sinh này ngồi nhầm trường đại học nào vẫn chưa được công bố. Con số thí sinh phải rời ghế giảng đường đại học sẽ nhiều hơn nữa khi các Sở GD&ĐT Hà Giang, Sơn La gửi danh sách các thí sinh gian lận điểm thi.
Việc các trường công an thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an, các thí sinh gian lận sẽ không đủ điều kiện học trường công an nhân dân là một việc làm đúng đắn, được dư luận đồng tình. Bởi không thể nào dung dưỡng cho những thí sinh tiêu cực trong thi cử vào ngành.
Vụ việc trên cho thấy, những sự can thiệp làm sai lệch kết quả thi xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là rất nghiêm trọng. Những người can thiệp điểm thi từ cán bộ phòng ban đến Phó giám đốc Sở GD&Đ, thậm chí cả cán bộ công an đều đã bị khởi tố và sẽ phải chịu những bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Tuy nhiên, người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong vụ việc trên vẫn là các thí sinh kể cả những thí sinh trong diện gian lận lẫn những thí sinh bị tước đoạt đi cơ hội vào giảng đường đại học.
Những thí sinh buộc phải rời khỏi giảng đường đại học do gian lận điểm thi nếu không có tiêu cực thi cử bằng năng lực thật sự họ có thể vào được những trường đại học vừa sức của mình, hoặc có thể chuyển sang học nghề khác. Nhưng chính tiêu cực thi cử đã cướp đi cơ hội được học đại học của các học sinh này, khiến các em mặc cảm tự ti khi đối mặt với xã hội khi bị các trường trả về do không đủ điều kiện học.
Thực tế lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ các thí sinh. Vì muốn con được học các trường đại học danh tiếng, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua cho con một tấm vé vào đời qua con đường tiêu cực thi cử. Nếu những vụ gian lận điểm thi không bị phát hiện, nghiễm nhiên, họ tự hào vì con cái họ được theo học những trường danh tiếng dù thâm tâm họ biết rõ năng lực thật sự của con cái họ sẽ không thể vào được những trường này.
Chính từ suy nghĩ, hành động của cha mẹ như vậy không chỉ vi phạm pháp luật mà họ trực tiếp đẩy con cái họ vào những bi kịch trong cuộc sống bị loại khỏi trường, bị tước đi cơ hội học ở những trường khác và tâm lý bị ảnh hưởng do cảm giác thất bại, bị bạn bè coi thường…Đáng chú ý những bậc phụ huynh này đa số là người có chức quyền như ở Hà Giang từ lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang, thậm chí cả lãnh đạo tỉnh này.
Thứ 2, không thể không nhắc đến những người có chức quyền thoái hóa biến chất vì vật chất tiền bạc mà thản nhiên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi can thiệp, sửa chữa điểm thi và tiếp tay cho những hành vi sai trái này như mới đây, hai Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang bị khởi tố, trước đó, hang loạt cán bộ tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La cũng bị khởi tố.
Tuy nhiên, một trong lý do ít người biết đến, họ cũng đáng bị lên án khi im lặng tiếp tay cho các thí sinh vi phạm. Đó chính là trường học, giáo viên nơi các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia từng theo học. Bởi họ biết rõ năng lực của các em học sinh này không thể đỗ được thủ khoa các trường đại học nhưng vẫn im lặng, thậm chí họ vẫn tự hào vì trường có nhiều em đỗ đại học, thậm chí đỗ thủ khoa. Nhà trường có thêm thành tích để báo cáo, giáo viên được đánh giá có năng lực có thêm uy tín để giảng dạy, có thể đó là lý do dẫn đến sự im lặng trên.
Các thí sinh được nâng điểm thi xứng đáng bị loại khỏi giảng đường đại học, những kẻ can thiệp sửa chữa điểm thi xứng đáng bị khởi tố thì chính những thầy cô, nhà trường nơi các thí sinh này theo học xứng đáng bị lên án. Bởi sự im lặng chấp nhận sự tiêu cực thi cử của họ không khác gì một tội ác.