Việc Bộ Công an thực hiện tinh gọn bộ máy, xóa bỏ 6 Tổng cục cấp trung gian, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục, gần 300 đơn vị cấp Phòng, sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp Phòng, gần 1.000 đơn vị cấp Đội...là một “cuộc cách mạng” lớn.
Bộ Công an tinh gọn bộ máy nhằm tổ chức bộ máy một cách tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu quả, tăng cường cho cơ sở theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám sát cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở...
Việc mạnh dạn bỏ cấp trung gian Tổng cục là vấn đề rất lớn đối với Bộ Công an. Bỏ cấp Tổng cục sẽ giảm tối đa cấp trung gian, khắc phục được sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ theo đúng nguyên tắc sắp xếp hệ thống chính trị của Đảng đối với lực lượng Công an. Bởi cấp Tổng cục vốn là đơn vị pháp lý không rõ ràng và việc bỏ cấp Tổng cục giảm được nhiều tầng nấc hành chính, giấy tờ, hội họp, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và giảm được lực lượng gián tiếp phục vụ chiến đấu như lực lượng tham mưu, chính trị, hậu cần, tài chính, thanh tra, kiểm tra, giảm được chi phí, giảm được trang thiết bị phương tiện làm việc.
|
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, việc sắp xếp bộ máy cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí công an xã chính quy. Với cách tổ chức mới, lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh trật tự, khắc phục được chồng chéo, chia cắt…
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn đúng là một cuộc “cách mạng lớn”bởi bộ Công an là bộ đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, trực tiếp là sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn tổ chức trong lực lượng công an.
Cùng với đó, “cuộc cách mạng” lớn trong đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy luôn có rất nhiều gian nan khó khăn, thử thách như lời Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đã nói: “Có những khó khăn nhất định như phát sinh bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý, khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy hay việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ...”.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận rằng: “Việc này đụng chạm ghê gớm, quân số như thế chuyển đi đâu, công an cấp xã như thế nào, tình hình sắp xếp lại đội ngũ, cần chú ý từng bước đi cho chắc chắn” và chỉ rõ cần phải làm tốt công tác tư tưởng, phải đồng lòng nhất trí cao.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cũng nhận định, việc bỏ hẳn cấp tổng cục và giải thể, sáp nhập nhiều cục, vụ là một đột phá lớn nhưng cũng băn khoăn về việc thay đổi một cái gì đó thành lề lối, thói quen, quán tính hình thành hơn nửa thế kỷ là không hề đơn giản. Hơn nữa, việc sắp xếp lại bộ máy sẽ khiến trên 300 cán bộ cấp vụ, cục sắp xếp lại vị trí công tác và phải bố trí công việc thế nào với trên 40 trung tướng, thiếu tướng là tổng cục trưởng, tổng cục phó.
Với quyết tâm và bằng những biện pháp từ thực tiễn như việc đánh giá mô hình tổ chức các cấp công an, rà soát chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, chồng chéo, nghiên cứu các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của công an cấp tỉnh, huyện, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và phương án xây dựng lực lượng công an xã chính quy…Đồng thời có sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an là một trong những bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII một cách bài bản, khoa học, thận trọng, khách quan, bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể, quan trọng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận.
Trên thực tế do nhiều yếu tố như mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới…dẫn đến nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương hiện nay vẫn còn tình trạng bộ máy công quyền phình to, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí ngân sách.
Ngay tại báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Chính phủ đã đưa ra nhận định: “Tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tổ chức bộ máy của Chính phủ tuy giữ ổn định nhưng tăng về đầu mối tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, nhiều tầng nấc trung gian...".
Một thống kê về số biên chế, người làm việc tại các tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trong báo cáo của Chính phủ thể hiện, đến hết tháng 12/2016, cả nước có tổng cộng 337 cục trưởng, 767 phó cục trưởng, 218 vụ trưởng, 593 phó vụ trưởng, 4.599 trưởng phòng và tương đương, 7.021 phó trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người.
Ngay số lượng chức danh ở từng Bộ cũng được liệt kê khá chi tiết khiến dư luận choáng váng ví như ở Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, 423 cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng; số lượng cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương lên tới hơn 9.100 người.
Do vậy, việc thu gọn bộ máy mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả là vấn đề Trung ương đã đặt ra về tinh giản bộ máy.
Bộ Công an đã tiên phong thực hiện, dư luận mong chờ các bộ ngành khác cũng cần làm một cuộc cách mạng lớn trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy để cắt giảm cấp trung gian thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII một cách toàn diện và hiệu quả.