Hỏi: Tôi nghe nói kẽm rất tốt để phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, rubella, thủy đậu... nên muốn bổ sung cho gia đình nhưng không biết nên bổ sung bao nhiêu cho phù hợp? Các thực phẩm nào chứa nhiều kẽm? - Lê Hải Thanh (Đống Đa, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Vitamin A, C và kẽm đều là những vi chất quan trọng giúp nâng cao miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, tăng cường sức đề kháng và chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, thủy đậu, rubella... Đặc biệt, kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.
Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ. Nên bổ sung cho trẻ dạng siro kẽm, hay dạng cốm có kẽm, (cho trẻ nhỏ), hay dạng viên cho trẻ lớn và người lớn.
Liều bổ sung kẽm: 10mg kẽm/ngày cho trẻ < 6 tháng, và 20mg/ngày x 14 ngày cho trẻ > 6 tháng. Người lớn có thể dùng bổ sung 20 - 30mg/ngày trong thời gian mắc sởi hay thủy đậu. Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.