Mánh lới của người 20 năm kiếm tiền từ bắt chuột

Google News

(Kiến Thức) - Người ta ghép tên với công việc ông gắn bó 20 năm để gọi ông là "Việt chuột". Ông vác trên vai chiếc thuổng, dẫn chú chó đi khắp các ngõ ngách để săn bắt chuột.

Đào chuột được cây vàng

Tôi gặp ông Việt (Lê Xuân Việt, 73 tuổi, thôn Xuân Cầu, Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) tại phố Lạc Trung, Hà Nội, khi ông đang dẫn chú chó đi săn chuột. Tôi muốn hỏi ông về công việc, nhưng ông khước từ với lý do đang còn phải đi săn chuột tiếp. Ông cho tôi địa chỉ ở quê, hẹn ngày gặp lại. Với khuôn mặt đen sạm, dáng người khắc khổ nhiều người nghĩ tới gia cảnh nghèo khó của ông. Nhưng không, trước mặt tôi là ngôi nhà mái bằng khang trang, đó là nơi sinh sống của ông Việt chuột. 

Làng Xuân Cầu, nơi ông Việt sinh ra vốn nổi tiếng với nghề săn bắt chuột. Ban đầu chuột được diệt để bảo vệ hoa màu, sau dần người dân đã biết bắt chuột để chế biến các món ăn. Người ta đã xem chuột như một món đặc sản, món ăn này có mặt trong những ngày lễ Tết, thậm chí là trong tiệc cưới. Năm 1991, sau khi về hưu ông Việt trở về với đồng ruộng, đấu thầu hàng mẫu ruộng để làm. Tiền lương hưu không đủ để nuôi con cái ăn học, thế nên những khi rảnh rỗi ông lại vác thuổng, dẫn chó đi đào chuột. 

Ông Việt bảo, tính đến nay ông có 20 năm đi săn chuột. Ông đi săn khắp nơi, hễ nơi nào có chuột là ông đến. Ở Hà Nội, nhiều ngõ ngách đều có bước chân của ông. "Ở Hà Nội có nhiều chuột nhất, mùa nóng chuột thường ra chỗ có nước để kiếm ăn và ở đó luôn. Mùa rét thì chuột ít ra ngoài mà chỉ nằm trong hang. Cứ một tuần tôi lại lên Hà Nội săn chuột một lần, đi khắp các ngõ ngách để bắt đến nỗi khi nào bận việc gì chưa lên được, người dân lại gọi điện cho tôi lên bắt", ông Việt kể.

Đồ nghề của ông Việt đi săn chuột. 

Nghề săn chuột đã vận vào ông Việt đến nỗi, chỉ cần ngồi ở nhà một hôm, chân tay ông bủn rủn người cảm giác như bị ốm. Ông Việt vẫn nhớ những kỷ niệm bắt chuột trên Hà Nội. Cách đây một năm trước, ông Việt được một chủ quán bia trên phố Thanh Xuân mời vào bắt chuột. Trong gian bếp nấu ăn của chủ quán có một lỗ chuột rất to, ông lấy thuổng khoét và đổ nước. Ba chú chuột cống không chịu được nước, phi ra bị ông tóm gọn. Biết dưới lỗ còn một ngách nữa và nhất định còn chuột, ông quyết định đào đến tận nơi. Nhưng vừa đào bất ngờ ông phát hiện có một miếng thịt lợn vẫn còn tươi nguyên nằm trong lỗ. Nghe mọi người kể ông mới biết mấy hôm trước chủ quán mua thịt về chưa kịp nấu ăn thì bị mất. Nghi ngờ cho người làm thuê lấy cắp, chủ quán đã đánh họ. Khi ông Việt cầm miếng thịt lên, người làm thuê như được minh oan cám ơn ông ríu rít.  

"Hơn mười năm trước, tôi vào Công viên Thanh Nhàn đào chuột, lúc đó quá trưa. Tôi muốn về, nhưng con chó săn ham chuột quá nên nó chạy tới bờ hồ trong khuôn viên, cạnh bãi rác và sủa inh ỏi. Nó báo hiệu có nhiều chuột. Vì thế tôi cố gắng đào. Tôi đào được mấy nhát thì phát hiện bên trong có một bánh xà phòng, thò tay vào có một chiếc túi bóng, mở túi bóng ra tôi bất ngờ nhìn thấy có một chiếc nhẫn bạc, cùng với một thỏi vàng. Về nhà tôi ra hiệu vàng đổi được mười chỉ đủ để trang trải đám cưới cho con gái", ông Việt vui mừng kể.

Ông Việt cùng chú chó đang kết hợp săn chuột. 

Bộ Nội vụ mời huấn luyện chó nghiệp vụ

"Trong hơn 20 năm làm nghề săn chuột có hai lần tôi bắt được nhiều chuột nhất. Một lần ở Gia Lâm, Hà Nội tôi đến đào 1 hang ở bờ đê bắt được 25 con chuột cống, cân lên được 10kg. Một lần tôi bắt dưới chân cầu Long Biên vào mùa nước lũ dâng lên cao, chuột không có lối thoát rúc vào một cái hang. Chuột lớn chuột bé đều nằm trong đó cả, nhiều quá đến nỗi tôi bắt không xuể. Hôm đó tôi về cân lên được đúng 25kg chuột. Đó có lẽ là kỷ lục về trọng lượng đi săn chuột trong một ngày của tôi", ông Việt kể.

Truyền thống người dân Xuân Cầu đi đào chuột bằng thuổng, nhưng với ông Việt vũ khí lợi hại ông có trong tay đó là chú chó săn chuột. Năm 16 tuổi ông đã đào tạo được chú chó săn chuột mà theo ông, đó là chú chó đánh hơi chuột nhạy nhất ông có. Để chi phí cho việc học tập trên Hà Nội ông phải bán chó. Ông bán cho một người ở làng bên với giá trị tương đương với 1,6 tấn lúa.

Ông Việt bảo: "Để chọn được chú chó săn chuột ưng ý rất khó, trong các tiêu chuẩn chọn chó thì phải chọn được chó có hình dáng ngực nở, mình trắm, phần đầu trán hơi nhô về phía trước, mũi ba ba để ngửi vật... Để huấn luyện một chú chó thành thục đi bắt chuột cũng phải mất hai năm".

Để cho tôi được tận mắt chứng kiến khả năng kết hợp siêu ăn ý giữa ông Việt và chú chó, ông dẫn tôi ra bờ sông bên nhà ông, chú chó vừa chạy vào một bụi rậm đánh mùi. Lát sau chạy ra vừa vẫy đuôi, sủa nhìn ông Việt. Ông Việt giải thích mỗi khi phát hiện có chuột là chú chó ra hiệu cho ông như vậy. Ông chỉ việc vào vị trí đó mà đào bắt, chú chuột nào mà phi ra khỏi lỗ là bị chó tóm gọn.

Phút nghỉ ngơi sau một ngày săn chuột. 

Tiếng tăm huấn luyện chó bắt chuột siêu việt của ông Việt không chỉ người dân quanh vùng biết mà những chuyên gia đào tạo chó để bắt tội phạm cũng phải tôn ông làm "sư phụ". "Cách đây 2 năm, mấy chú công tác ở Bộ Nội vụ đã mời tôi về tham gia lớp huấn luyện chó nghiệp vụ để ngửi ma túy, bắt tội phạm. Mấy tháng trước họ đánh cả xe ô tô về nhà mời tôi đi, nể quá tôi lên đó huấn luyện cho họ hơn 2 tháng. Thấy tôi không học qua trường lớp nào mà huấn luyện chó điêu luyện nhiều người rất khâm phục. Họ muốn tôi ở hẳn đó để huấn luyện chó, nhưng các con tôi không cho tôi ở", ông Việt kể.

Ông Việt bảo, giờ việc đi săn chuột không phải để mưu sinh nữa mà là thú vui. Vợ chồng ông có lương hưu, các con ông thành đạt, trong nhà ông chả thiếu thốn gì cả để mà phải bươn trải nắng mưa. Nhiều hôm vợ con cấm đoán nhưng ông vẫn trốn để đi. Một ngày ông dẫn chó đi săn chuột ít nhất cũng được 5 - 7kg chuột, về làm sạch lông mang ra chợ bán cũng được hơn nửa triệu bạc. Vừa là thú vui, vừa có thêm nguồn thu, cuộc sống của ông Việt thật hạnh phúc. 

"Người dân không nên ăn thịt chuột, ngày xưa chuột đồng có thể ăn được vì khi đó thuốc sâu và hóa chất dùng trong ruộng đồng còn rất ít. Hiện nay, lượng hóa chất dùng trong ruộng đồng ngày càng nhiều, vì thế khi chúng ta ăn thịt chuột thì nguy cơ nhiễm hóa chất là rất lớn. Khi ăn thịt chuột chất độc hại từ ruột đi vào cơ thể không phát tác, gây hại ngay cho người ăn. Nhưng về lâu dài có thể gây ra các bệnh về phổi, gan, đường ruột".
BS Trần Minh Phương (nguyên phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch) 
Đức Lợi

Bình luận(0)