Vụ bê bối xe bị lỗi làm chết ít nhất 13 người của General Motors đang là vụ việc ầm ĩ nhất từ đầu năm tới nay trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, so với những “siêu sự cố” trong quá khứ, câu chuyện này trên thực tế chưa có gì là quá ghê gớm.
Những số liệu thống kê của các nhà quản lý Mỹ cho thấy ngành công nghiệp xe hơi từng chứng kiến những vụ bê bối về chất lượng có quy mô cực lớn và gây ra hàng nghìn vụ tai nạn nghiêm trọng.
|
Vụ bê bối xe bị lỗi làm chết ít nhất 13 người của General Motors đang là vụ việc ầm ĩ nhất từ đầu năm tới nay. |
1. Vụ triệu hồi xe lỗi lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi liên quan tới Ford Motor. Vụ việc này diễn ra năm 1980 với tổng số 21 triệu xe thuộc 10 dòng khác nhau bị nghi có lỗi tự động di chuyển dù đang ở chế độ dừng đỗ xe. Sự cố này được xác định là nguyên nhân gây ra 6.000 vụ tai nạn và làm gần 100 người chết.
2. Vụ lỗi xe có quy mô lớn thứ 2 cũng thuộc về Ford với 7,9 triệu xe lỗi công tắc đánh lửa, tiềm ẩn nguy cơ chập điện và gây cháy. Trục trặc này được phát hiện và xử lý năm 1996.
3. Chiến dịch triệu hồi lớn nhất từ trước tới nay của General Motors được xếp thứ 3 trong danh sách 10 vụ triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử. Vụ việc này liên quan tới 6,7 triệu xe sản xuất trong những năm 1960, 1970 vì lỗi tăng tốc đột ngột.
4. Đứng vị trí thứ 4 tiếp tục là GM với 5,8 triệu xe sản xuất cuối thập niên 1970 vì lỗi hệ thống treo dẫn tới nguy cơ bị mất lái và tai nạn.
5. Với 4,5 triệu xe có nguy cơ cháy vì lỗi hệ thống kiểm soát tốc độ, năm 2005 Ford phải tiến hành vụ triệu hồi lớn thứ 5 trong lịch sử. Không chỉ vậy, đúng 4 năm sau khi đã tiến hành kiểm tra và thay phụ tùng bị lỗi hàng, hãng xe Mỹ lại tái triệu hồi lần thứ 2 với số lượng xe tương tự, 4,5 triệu xe.
6. Vụ bê bối xe tăng tốc đột ngột của Toyota nằm ở vị trí số 6 với tổng số 4,4 triệu xe liên quan. Câu chuyện này bắt đầu từ năm 2009 và vẫn còn chưa hoàn toàn kết thúc. Đầu năm nay, Toyota đã chấp nhận bồi thường 1,2 tỷ USD cho các nạn nhân để chấm dứt quá trình kiện tụng và điều tra.
7. Xếp ở vị trí thứ 7 là đợt thu hồi 4 triệu xe của Ford thực hiện năm 1972 do lỗi dây đai an toàn bị lỗi. Lỗi này có thể khiến dây đai bị bung ra gây nguy hiểm cho người lái và các hành khách.
8. GM chiếm giữ vị trí tiếp theo với chiến dịch triệu hồi hơn 3,7 triệu xe trong năm 1970 vì nguy cơ đến từ lỗ hổng trong thiết kế khung gầm. Cụ thể, do thiết kế khung gầm không hợp lý, những viên đá nhỏ bắn lên xe khi vận hành trên đường có thể bị kẹt lại khiến xe khó điều khiển hơn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
9. Volkswagen và Honda chia nhau vị trí số 9 khi cùng triệu hồi 3,7 triệu xe trong hai năm 1972 và 1995. Trong khi Volkswagen phải xử lý lỗi lỏng ốc vít ở cần gạt nước thì Honda giải quyết vấn đề liên quan tới dây dai an toàn.
10. Năm 2004, General Motors gọi về xưởng hơn 3,6 triệu xe tải vì lỗi dây cáp ở cửa hậu. Trục trặc này có thể khiến cửa hậu của xe bị rơi ra khi có người ngồi hoặc đứng ở trên và gây ra thương tích ngoài ý muốn.