Kế hoạch ô tô “made in Vietnam” trăm triệu USD

Google News

Các hãng xe quốc tế và trong nước đang chờ những quyết sách về thuế để có cơ hội tạo nên những chiếc ôtô "made in Vietnam" đầu tiên.

Theo đó, các bộ ngành sẽ phải xây dựng các chính sách tín dụng ưu đãi, thuế, phí phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường... hình thành nền công nghiệp ô tô Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thời hạn hoàn thành vào tháng 11/2014. Tiếp đến là ban hành các quy định cụ thể bảo đảm việc sản xuất, thời hạn hoàn thành vào tháng 12/2014. Dù đã qua hạn định, các chính sách vẫn chưa thể ra đời và doanh nghiệp vẫn tiếp tục ngóng đợi.
 

Dù trong giai đoạn chờ chính sách mới nhưng Hyundai Thành Công, DN 100% vốn trong nước đã bỏ ra 80 triệu USD đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô tại Ninh Bình với số vốn 80 triệu USD. Hơn thế, Hyundai Thành Công còn xúc tiến đầu tư giai đoạn 2 với phân xưởng dập chi tiết thân xe, nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% để hướng tới xuất khẩu 1 số mẫu xe sang các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt, một tập đoàn ô tô quốc tế là Mazda cũng có ý định đầu tư 1 nhà máy sản xuất ô tô Mazda tại Việt Nam. Đại diện tập đoàn Mazda cho biết đang nghiên cứu xây dựng và đưa nhà máy ôtô du lịch Mazda vào năm 2017 và đạt tỷ lệ nội địa hóa mức 40% vào năm 2018.

Tuy nhiên, Mazda cũng cho biết đang chờ các chính sách cụ thể về phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, một loạt các DN ô tô nội cũng tuyên bố liên kết với nhau để thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô. Nhóm này gồm: Tổng công ty VEAM, Tổng công ty Vinamotor, Tổng công ty SAMCO, Tập đoàn Trường Hải, Công ty Vinaxuki, Nhà máy Z179 (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Tư vấn Phát triển cơ khí Việt Nam (MDC).

Đây đều là những DN sản xuất, lắp ráp ôtô chủ chốt trong nước tự nguyện liên kết với nhau để quyết tâm làm ôtô, để chứng minh rằng người Việt Nam có thể làm được. DN trong nhóm có thể đặt hàng nhau và mở hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thông qua việc đặt hàng các DN cơ khí trong nước để triển khai sản xuất linh kiện ô tô.

Như vậy, bất chấp những khó khăn cũng như lợi thế ngày càng giảm, vẫn có không ít DN ô tô trong và ngoài nước quyết tâm cao trong việc đầu tư sản xuất và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Các DN cho biết, với Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô ban hành, đã khẳng định rõ ràng quan điểm của Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn mới. Vấn đề quan trọng để thực hiện thành công chính sách này cần có một chương trình hành động cụ thể. Các DN rất nóng lòng chờ đợi và đã sẵn sàng vào cuộc.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Công thương, để phát triển ô tô Việt Nam giai đoạn 2020 đến 2035, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN cần giữ nguyên 50% từ nay tới năm 2017, sau đó hạ về 0% từ năm 2018.

Theo đó, với thuế nhập khẩu ô tô ở mức 50%, sản xuất lắp ráp tại Việt Nam còn lợi thế nhất định so với xe nhập khẩu, giúp các DN duy trì sản xuất lắp ráp từ nay tới 2017, thông qua đó có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, với dòng xe nhỏ, có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, Bộ Công Thương đề nghị giảm xuống còn 20% -25%. Mục đích chính là giúp giá ô tô trở nên rẻ hơn và nhiều người dân có khả năng mua xe. Qua đó, giúp tăng quy mô thị trường ô tô, tạo cơ hội cho các DN ô tô tại Việt Nam có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng nội địa hóa, thu hút công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian ít ỏi còn lại.
 

Ngược lại, Bộ Tài chính muốn giảm dần thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean ở mức 50% vào năm 2015, xuống còn 40% vào 2016, 30% vào năm 2017, rồi về 0% vào năm 2018 và giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao như hiện nay do lo sợ giảm mạnh sẽ thất thu cho ngân sách.

Trong bối cảnh các nước Thái Lan, Indonesia đang có nhiều chính sách hấp dẫn, để thu hút vốn đầu tư lớn cho công nghiệp ô tô, trước khi mở cửa, thì các cơ quan chính sách Việt Nam càng cần nhất quán và quyết liệt hơn.


T.Y (theo vnexpress)

Bình luận(0)