Nằm trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016), vào lúc 9h30 sáng nay (ngày 18/12), Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, với sự tham gia của khoảng 3.500 đại biểu.
Theo chương trình, 8h các đại biểu sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm sẽ bắt đầu vào lúc 9h30 sáng.
Sau màn biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, lúc 10h, lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu làm lễ chào cờ.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm lễ chào cờ. Nguồn ảnh: Vietnamnet |
Tới dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải...
Tiếp đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, "Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp...."
|
Đồng chí Hoàng Trung Hải đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Nguồn ảnh: Vietnamnet |
Sau bài diễn văn của Bí thư Hoàng Trung Hải, Đại tá Nguyễn Huy Du - cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã lên phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến.
Cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không khỏi xúc động khi kể lại những giờ phút lịch sử của quân dân thủ đô và cả dân tộc. 20h03 ngày 19/12/1946, đèn đêm phụt tắt, những quả đại bác đầu tiên ở pháo đài Láng, Xuân Tảo Xuân Canh.. nã vào thành Hà Nội. “Chúng tôi phải xông ngay ra đường ngả cây, ngả cột đèn, rải mìn, rải chướng ngại vật ở phố hàng Da, phố Đường Thành để chặn địch tấn công”, ông nhớ lại.
Ông cho biết, 60 ngày đêm chiến đấu, lăn lộn, quần nhau với địch trong những căn nhà đổ nát, những khu phố bị bắn phá tan hoang, cuộc sống trong các chiến hào đầy gian khổ thiếu thông…, nhưng với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm, không sợ hy sinh, lại được thư động viên của Bác Hồ và các lãnh đạo, quân và dân Thủ đô đã hoàn thành nhiệm vụ.
|
Đại tá Nguyễn Huy Du, nguyên cán bộ Cục Khoa học quân sự, Bộ Tổng Tham mưu, cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. |
Và ở phần kết của chương trình kỷ niệm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Bách – giảng viên Đại học Y Hà Nội đại diện thế hệ trẻ của Thủ đô phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Nói về cảm nghĩ của mình khi tham dự lễ kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn này, ông Bách khái quát, với lớp người trẻ, 19/12/1946 chỉ còn trong những thước phim, những trang sử, những lời kể lại nhưng sinh động và thiêng liêng.
“Chúng tôi cảm nhận rằng huyền thoại không chỉ đọng lại với người Hà Nội mà mãi là niềm tự hào, là biểu hiện sáng ngời, kết tinh thành giá trị vô giá cho hôm nay”, PGS Bách nói.
|
Một cảnh trong tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Nguồn ảnh: VOV |
Trước đó, Lễ tổng duyệt chương trình đã diễn ra vào sáng ngày hôm qua (17/12) dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và nhiều cán bộ cấp cao khác.
Theo dõi, kiểm tra kỹ các nội dung tổng duyệt, lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá cao các lực lượng tham gia, đồng thời khẳng định, mọi phần việc liên quan đã sẵn sàng tổ chức thành công lễ kỷ niệm xứng đáng với tầm vóc lịch sử Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Cùng với việc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm, các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng dân tộc diễn ra phong phú, đa dạng trên khắp địa bàn thành phố, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô, các hoạt động tri ân thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức ở nhiều cấp, nhiều ngành với nhiều hình thức phong phú, giàu ý nghĩa nhân văn, kịp thời động viên tinh thần gia đình chính sách…
Một con phố của Hà Nội đã được gắn tên kỷ niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến. Cụ thể, con phố cạnh TAND TP Hà Nội mà nhân dân quen gọi là chợ Âm Phủ được gắn biển “Phố 19 tháng 12”, nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm).
Trong đêm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, con phố này là nơi chôn tập thể của các nạn nhân chết tại khu vực Hàng Bông, Cửa Nam. Năm 1954 sau khi tiếp quản thủ đô, chính quyền thành phố cho xây tường bao và ghi biển “Nơi chôn cất đồng bào thủ đô hy sinh ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946”.
Năm 1986, di cốt nạn nhân chiến tranh được chuyển đi. Nơi đây chính thức được đặt tên là chợ 19 tháng 12 nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chợ Âm Phủ.