Xúc động chia sẻ của người dân đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Google News

(Kiến Thức) - “Thấy chú rể chưa có áo mới cho ngày vui, ông Sáu Khải gọi ngay anh Thiện vào, mở chiếc rương, lấy ra một tấm áo bộ đội sạch sẽ…”, bà Lương nhớ lại kỷ niệm khó phai về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong hai ngày Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ngoài những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, còn có vô số người dân mến mộ tài năng, đức độ của bác Sáu Khải vượt hàng trăm đến hàng nghìn km vào thắp nén nhang tưởng nhớ người con ưu tú của đất thép thành đồng Củ Chi.
Không chỉ mang theo tấm lòng bao la, mến mộ mà nhiều người trong số đó mang theo những câu chuyện kỷ niệm đặc biệt với bác Sáu Khải.
Là một trong những người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sớm nhất tại Hội trường Thống Nhất, chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Mộc Lương (81 tuổi, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) trò chuyện về một kỷ niệm đặc biệt với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Xuc dong chia se cua nguoi dan den vieng nguyen Thu tuong Phan Van Khai
 Bà Lương chia sẻ kỷ niệm bác Sáu Khải tặng tấm áo mới ngày cưới. Nguồn ảnh: Zing
Theo bà Lương, năm 1956, bà được gặp ông Sáu Khải khi tập kết ra Bắc. Quãng thời gian gian khổ nhưng nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đã gắn kết những người bạn đồng niên, như vợ chồng bà Lương với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ngày đó, trước khi cô học trò miền Nam Mộc Lương và bạn trai tổ chức đám cưới trên trận địa, cô được anh Sáu gọi ra dặn dò: "Hai đứa thương nhau đúng thời điểm đất nước khó khăn, lấy nhau về vài bữa có khi lại xa nhau đi chiến đấu, nhưng đừng vì thế mà nản lòng".
"Cuộc chiến chưa biết bao giờ kết thúc, dù phải đặt chuyện đất nước lên trên hết, nhưng hai đứa cũng phải yêu thương và trân trọng nhau. Quyết định gắn bó với nhau là đúng, chỉ khi có chồng, có vợ con người ta mới trưởng thành lên", anh Sáu Khải nói thêm với cô Mộc Lương ngày ấy.
Đám cưới được tổ chức vào ban đêm, thắp đèn dầu vì sợ máy bay oanh tạc. Dưới khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" và sự chứng kiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng đội, bà Mộc Lương nên duyên vợ chồng với anh Nguyên Hữu Thiện.
Mâm cỗ cưới ngày khó khăn có 2 đĩa bánh kẹo, bình trà xanh, 2 hộp ngô rang. Anh Sáu góp thêm cho đôi tân lang tân nương 2 gói thuốc lá và nhất là chiếc áo mới.
Bà Lương kể, thấy chú rể chưa có áo mới cho ngày vui, ông Sáu Khải gọi ngay anh Thiện vào, mở chiếc rương, lấy ra một tấm áo bộ đội sạch sẽ, rồi nói: "Cho mi, mặc áo mới để gặp may mắn".
Sau nhiều năm xa cách vì chiến tranh, tới năm 1976, bà Lương và ông Thiện gặp lại nhau, khi này họ đã có 3 người con. Hai ông bà về quê ở Bạc Liêu sinh sống.
"Thời gian gần anh Sáu tuy ít nhưng lại là thời điểm quan trọng của mệnh nước. Bác ấy dù bận rộn nhiều việc nhưng lúc nào cũng quan tâm tới đồng đội, anh em. Vợ chồng tôi không phải là những người duy nhất được bác ấy chứng hôn. Nay bác đi rồi, tôi đưa các con tới chào vĩnh biệt người", bà Mộc Lương nói.
Bà Nguyễn Ngọc Mai (89 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng là một trong những người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ sớm nhất.
Dù tuổi đã cao nhưng ngay khi nghe thông tin tang lễ của nguyên Thủ tướng được tổ chức ở Hội trường Thống Nhất để người dân đến viếng, bà Mai vẫn dậy từ sớm, lặn lội để được vào thắp nén nhang đưa tiễn người đã khuất.
Cầm trên tay tấm ảnh chụp cùng nguyên Thủ tướng ở đền thờ An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) nhân dịp khánh thành ngôi đền này, bà Mai không giấu được cảm giác buồn rầu, thương tiếc.
Xuc dong chia se cua nguoi dan den vieng nguyen Thu tuong Phan Van Khai-Hinh-2
 Bà Mai kể về tấm ảnh kỷ niệm với bác Sáu Khải. Nguồn ảnh: VTC News
"Ngày trước khi gặp lại ông ở dịp khánh thành đền thờ An Phú Đông, trông ông vẫn rất giản dị, gần gũi và thân thiện chứ không hề có khoảng cách xa lạ giữa lãnh đạo và người dân. Nghe tin ông mất, tôi cảm thấy rất đau buồn và thương tiếc", bà Mai nghẹn ngào chia sẻ.
Bác Bùi Văn Nghĩa (63 tuổi) thì chia sẻ: “Anh Sáu là đàn anh, người đồng hương của chú. Lần đầu tiên chú gặp anh Sáu Khải là lúc đang học ở trường Thiếu sinh quân, năm đó chú 14 tuổi. Anh Sáu về trường thăm hỏi, động viên các chú cố gắng học tập tốt để chiến đấu bảo vệ quê hương. Hai năm sau chú được về Trung đoàn Thép Củ Chi chiến đấu. Khi anh Sáu về hưu sống tại xã Tân Thông Hội, chú và anh Sáu vẫn có dịp gặp nhau trong các cuộc gặp mặt ở huyện Củ Chi".
Mỗi lần gặp, các thế hệ người lính càng cảm phục và kính trọng “anh Sáu Khải” hơn.
“Anh Sáu Khải là người anh, người chú, người thầy của các chú. Các chú ngưỡng mộ anh từ khi anh ra Hà Nội, sau đó Bác Hồ cho đi học Liên Xô. Nhưng đến khi về nước anh Sáu vẫn hỏi thăm anh em rất chân tình. Nghĩ đến những năm tháng xưa mà trào nước mắt tiếc thương anh” – chú Nghĩa không giấu được niềm xúc động.
Ngoài câu chuyện của bà Lương, bà Mai, còn nhiều kỷ niệm đặc biệt khác với bác Sáu Khải được người dân, người bạn, đồng đội nhớ lại trong hai hàng nước mắt giàn giụa tiếc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Vượt cả nghìn km về tiễn biệt cố Thủ tướng
Nghe tin bác Sáu Khải qua đời, bà Phạm Thị Nhung (72 tuổi) đã khẩn trương sắp xếp công việc để bay từ Hà Nội vào TP HCM từ ngày 18/3. “Tôi cũng có chút công việc trong này phải giải quyết nhưng chủ yếu là để được viếng ông Sáu Khải. Tôi phải viếng ông cho bằng được”, bà Nhung nói kiên quyết.
Tuy nhiên, do không đủ thời gian để xếp hàng chờ vào viếng, bà Nhung bắt taxi tới trước cổng Hội trường Thống Nhất rồi đứng ở khoảng cách xa bày tỏ sự kính trọng của mình với một một vị nguyên Thủ tướng tài năng, đức độ.
Bà Nhung bảo nếu không đi tiễn ông Sáu Khải, lòng bà sẽ thấy vướng bận nhiều thứ...
Xuc dong chia se cua nguoi dan den vieng nguyen Thu tuong Phan Van Khai-Hinh-3
 Bà Nhung chắp tay thành tâm hướng về nơi diễn ra lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Nguồn ảnh: PLO
Cũng như bà Nhung, bà Lê Thị Hồng (68 tuổi, quê Gia Lai) ngay khi hay tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn quyết định bắt xe khách xuống Sài Gòn dự lễ viếng từ 10h đêm tối hôm trước.
Cùng là người ở tỉnh về TP như bà Hồng, ông Đinh Văn Lý (63 tuổi, quê Lâm Đồng) nghe tin nguyên Thủ tướng qua đời, vội đón xe đò từ tối 19/3 về Sài Gòn để sáng 20/3 tới cho kịp lễ viếng.
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)