Phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Công ty cổ phần VN Pharma kéo dài hơn dự kiến khi phần xét hỏi chưa kết thúc. Dự kiến ngày mai (24.10), phiên tòa bước sang phần xét hỏi đối với đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao.
Như Dân Việt đã thông tin, theo kế hoạch ngày 23.10, phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Hùng cùng các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Công ty cổ phần VN Pharma kết thúc với phần tuyên án. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nên HĐXX, đại diện VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
Nội dung xét hỏi tập trung đến việc làm giả giấy tờ, con dấu để hợp pháp hóa hồ sơ nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita không rõ nguồn gốc về Việt Nam; việc chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng; tiền nâng khống giá thuốc; việc ủy quyền của Công ty Helix Canada cho Võ Mạnh Cường; lập hồ sơ thuốc H-Capita…
Trả lời tại tòa, đa số bị cáo đều quanh co không thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Riêng bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) một mực khẳng định không chi hoa hồng đối với số tiền 7,5 tỷ đồng, đồng thời cho rằng việc nâng giá thuốc lên nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty.
|
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (giữa) tỏ ra khá mệt mỏi sau khi nghe lệnh bắt tạm giam. (Ảnh: Hữu Ký). |
Tương tự, bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty TNHH thương mại và hàng hải H&C) khai nhận là đại diện hợp pháp của công ty Helix Canada thực hiện các giao dịch tại Việt Nam. Việc ủy quyền này từ nhân vật Raymundo và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên HĐXX đã chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai của Vũ Mạnh Cường.
Cụ thể, chứng cứ mới mà Cường cung cấp là giấy phép số 28 Bộ Y tế cấp phép cho Công ty Helix Canada hoạt động tại Việt Nam, được thực hiện từ năm 2014, nhưng giấy ủy quyền của công ty này cho bị cáo Cường lại được thực hiện từ năm 2013. Đáng chú ý, trong nội dung ủy quyền có ghi thời hạn ủy quyền từ năm 2012 đến năm 2017. HĐXX nhận định đây là vấn đề có mâu thuẫn và yêu cầu bị cáo này giải thích.
Trước lời khai quanh co của một số bị cáo tại tòa, đại diện VKS đã công bố lại nhiều lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra. Đối chiếu cho thấy nhiều bị cáo khai tại tòa mâu thuẫn với các lời khai tại cơ quan điều tra.
Kết thúc phần xét hỏi buổi chiều, HĐXX cho biết, ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Đáng chú ý, ngày mai dự kiến sẽ có trả lời từ đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ ngoại giao về một số vấn đề liên quan đến vụ án.
Trước đó, trong phần xét hỏi, HĐXX, VKS đã đặt nhiều câu hỏi với đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương về các vấn liên quan đến việc để cho 9.300 hộp thuốc chữa ung thư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên đại diện các Bộ không trả lời mà cho rằng chỉ đến phiên tòa theo dõi rồi về báo cáo lại, đồng thời xin trả lời bằng văn bản.
Riêng với Bộ Y tế, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã đề nghị Cơ quan an ninh điều tra, VKSND tối cao điều tra làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ liên quan, cụ thể là các cán bộ tại Cục Quản lý dược trong vụ án này. Đến phiên phúc thẩm, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục khẳng định Cục Quản lý dược Bộ Y tế có những sai phạm và phải chịu trách nhiệm trong vụ án này. Tuy nhiên phần trách nhiệm tới đâu vẫn chưa được giải đáp.
Đáng chú ý, bị cáo Võ Mạnh Cường lại cung cấp cho HĐXX một chứng cứ mới, đó là Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam số 28/GP-2014/2 do Bộ Y tế cấp ngày 18.6.2014, có hiệu lực đến ngày 18.6.2019 cho công ty Helix pharmaceuticals (gọi tắt là công ty Helix).
Trong diễn biến khác, chiều 23.10, TAND cấp cao tại TP.HCM đã công bố lệnh bắt tạm giam 90 ngày đối với hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án.
Lúc nghe đọc lệnh bắt tạm giam, bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã ngất xỉu tại chỗ. Đến khoảng 15h20, sau khi được các bác sĩ chăm sóc, bị cáo Hùng mới hồi phục sức khỏe để tiếp tục tham gia phiên tòa.