Sáng ngày 25/6, TAND TP HCM đã đưa bị cáo Đặng Thanh Bình - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đồng phạm ra xét xử vì hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây dựng - VNCB) gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ.
|
Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ |
Mặc dù gián tiếp tạo điều kiện cho Phạm Công Danh và các thuộc cấp tại VNCB gây thiệt hại "khổng lồ" cho Nhà nước, thế nhưng qua 2 ngày diễn ra phiên tòa xử ông Đặng Thanh Bình, những người dự khán không khỏi ngỡ ngàng trước lời khai của các bị cáo.
Bị cáo Hà Tấn Phước - Tổ trưởng Tổ Giám sát trước Tòa - nguyên phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An cho rằng với hậu quả xảy ra, "bị cáo thấy rằng bị cáo còn thiếu sót chút đỉnh trong công tác điều hành của tổ giám sát mà đã được thống đốc giao".
Không chỉ bị cáo Hà Tấn Phước, các vị "quan giám sát" còn lại cũng bày tỏ việc chỉ thiếu sót phần nào, có vị còn không chịu thừa nhận. Ví như ông Phạm Thế Tuân - Tổ phó Tổ giám sát - nguyên phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP HCM khẳng định làm hết trách nhiệm của mình.
|
Ông Hà Tấn Phước - Tổ trưởng Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ |
Cụ thể, với chức năng nhiệm vụ của mình, ông Tuân đã không đồng ý với một số giao dịch trên 5 tỉ đồng. Khi họp, ông Tuân có đề xuất báo cáo ngay, thu hồi ngay và xử lý sai phạm của VNCB. Tuy vậy, bên cạnh đó ông Tuân thừa nhận rằng quá trình làm việc có những điểm chưa hoàn toàn hết trách nhiệm dù đã nỗ lực rất nhiều.
Thậm chí, ông Tuân còn "đổ vấy" cho Phạm Công Danh và đồng phạm rằng "giai đoạn cuối các cán bộ ngân hàng đã quá tinh vi và không chấp hành các quy định nên hôm nay bị cáo phải đứng đây khai báo với HĐXX”.
Bị cáo Lê Văn Thanh – thành viên Tổ Giám sát - nguyên phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An cũng thừa nhận mình có thiếu sót trong hoạt động tại VNCB nhưng cho rằng thời điểm VNCB gửi vốn qua thị trường 2 (liên ngân hàng) thì ông nhận thấy ngân hàng đang hoạt động tốt.
Trong khi đó, bị cáo Ngô Văn Thanh - phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Long An, thành viên tổ giám sát của NHNN - cho rằng cáo trạng có nhiều nội dung không đúng về chức năng nhiệm vụ của ông.
Cụ thể, khi phát hiện ra sai phạm trong hoạt động của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị cáo Ngô Văn Thanh có báo cáo với tổ trưởng tổ giám sát. Còn đối với những khoản vay mà ông Thanh không báo cáo là do cán bộ lãnh đạo của VNCB cố tình thực hiện giao dịch này.
Nhìn chung các thành viên Tổ Giám sát đặt tại VNCB đều có thừa nhận một phần trách nhiệm nhưng cho rằng đó chỉ là “thiếu sót ít”. Điều này thật khó mà chấp nhận, “thiếu sót ít” hay là “thiếu sót” thì hậu quả là 15.000 tỷ đã “không cánh mà bay”.
Bốn vị quan ngân hàng trên được giao trách nhiệm giám sát hoạt động VNCB đều là những người có "máu mặt" trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng lại để các cán bộ VNCB dễ dàng qua mặt tới hàng nghìn tỷ thì thật không thể hiểu nổi. Điều gì đã che mặt được họ, sự chủ quan hay là những tờ giấy có quyền lực? Có lẽ việc này sẽ được làm rõ hơn trong những ngày xét xử tới đây.
Theo cáo trạng của VKSND, bị cáo Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền 3.454 tỉ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại là 6.591 tỉ đồng, bị cáo Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại là 3.454 tỉ, bị cáo Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỉ đồng.
Theo cáo trạng của VKSND, tháng 8/2012, ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình gửi Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương. Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này. Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.
Tuy nhiên, việc ông Đặng Thanh Bình và tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB thiếu sâu sát, đã tạo điều kiện cho nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, nắm giữ và sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỉ đồng.